Một số sửa đổi bổ sung cơ bản của Bộ luật hình sự năm 2015 (Phần II)

  1. Chương V: Thời hiệu tra cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự

5.1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Các thời hạn để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội không có gì thay đổi so với Điều 23 của BLHS năm 2009, đó là:

– 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

– 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

– 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

– 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

Điều luật có một số sửa đổi sau:

Một là: sửa cụm từ “tội phạm mới” thành “thực hiện hành vi phạm tội mới” để phù hợp hơn với quy định của Hiến pháp năm 2013 “người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (Điều 31 Hiến pháp năm 2013).

Hai là: sửa từ hành vi tự thú thành đầu thú tại khoản 3 của điều luật để bảo đảm tính chính xác vì khi người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì không còn hành vi tự thú mà chỉ có thể là đầu thú.

5.2. Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 28)

Ngoài việc vẫn giữ nguyên quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của BLHS và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của BLHS năm 2015, thì điều luật bổ sung khoản 3:

“3. Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này”.

Như vậy, các trường hợp phạm tội tham ô tài sản và nhận hối lộ thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng sẽ không được áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đây là một quy định rất mới nhằm tăng cường cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong tình hình tệ nạn tham nhũng, đặc biệt là tệ nạn tham ô tài sản và nhận hối lộ đã trở thành quốc nạn và Việt Nam là một trong các nước được quốc tế xếp vào trong tốp dẫn đầu về tệ nạn tham nhũng.

5.3. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29)

– Điều luật được thiết kế lại theo hướng đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự và có thể được miễn trách nhiệm hình sự nhằm bảo đảm tính minh bạch trong quy định và trong áp dụng. Cụ thể là:

  1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
  2. a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
  3. b) Khi có quyết định đại xá
  4. Người phạm tội có thể miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
  5. a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
  6. b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
  7. c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
  8. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

Như vậy, những căn cứ quy định tại khoản 1 của điều luật này là căn cứ để đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự và những căn cứ quy định tại khoản 2; khoản 3 của điều luật này là những trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

– Một số bổ sung điều luật

Một là: bổ sung tình tiết lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

Hai là: bổ sung khoản 3 về những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Đây là một quy định rất mới, mở rộng phạm vi miễn trách nhiệm hình sự nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc xử lý bằng biện pháp hình sự đối với người phạm tội.

Ví dụ: một người phạm tội “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” (Điều 260 BLHS năm 2015) thuộc khoản 1 của điều luật này cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu có đủ căn cứ quy định ở khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 (người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự).

  1. Chương VI: Hình phạt

6.1. Khái niệm hình phạt

“Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó”.

Điều luật chỉ bổ sung pháp nhân thương mại và thiết kế lại cho gọn hơn về khái niệm hình phạt.

6.2. Mục đích của hình phạt

Về cơ bản, mục đích của hình phạt vẫn là là vừa trừng trị, vừa giáo dục người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội và giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Trừng trị và giáo dục luôn là hai thuộc tính của hình phạt, không thể coi trọng thuộc tính nào hơn nên khi áp dụng hình phạt phải bảo đảm tính song hành của hai thuộc tính này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt như việc xử lý đối với người chưa đủ 18 tuổi thì mục đích của hình phạt phải lấy giáo dục làm chính.

6.3. Các hình phạt đối với người phạm tội (Điều 32)

Các hình phạt đối với cá nhân người phạm tội không có gì thay đổi so với quy định tại Điều 28 BLHS năm 1999. Đó là các hình phạt chính: cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân; tử hình; các hình phạt bổ sung; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế, tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.

Điều luật chỉ sửa từ “Các hình phạt” thành “Các hình phạt đối với người phạm tội”

6.4. Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 33)

Đây là điều luật mới để áp dụng cho các pháp nhân thương mại phạm tội. Điều luật quy định:

“1. Hình phạt chính bao gồm:

  1. a) Phạt tiền;
  2. b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
  3. c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
  4. Hình phạt bổ sung bao gồm:
  5. a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;
  6. b) Cấm huy động vốn;
  7. c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
  8. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung”.

6.5. Phạt tiền (Điều 35)

Quy định về phạt tiền có sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các trường hợp:

“a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định;

  1. b) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định”.

Khoản 2 và khoản 3 của điều luật giữ nguyên tinh thần của khoản 2 và khoản 3 Điều 30 BLHS năm 1999.

Điều luật bổ sung khoản 4 “Hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 77 của Bộ luật này”.

Như vậy, hình phạt tiền là hình phạt chính không chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định mà đã được mở rất rộng trong việc áp dụng đối với tất cả các tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng; tội rất nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do BLHS quy định.

6.6. Cải tạo không giam giữ (Điều 36)

– Về cơ bản, chế định cải tạo không giam giữ được giữ nguyên tinh thần của loại hình phạt này. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng hình phạt này kém hiệu quả trong thực tiễn áp dụng, điều luật đã bổ sung khoản 4.

“4. Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.

Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.

Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ công cộng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.

Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện nghĩa vụ quy định tại Luật thi hành án hình sự”.

– Không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.

6.7. Trục xuất (Điều 37)

Trong quá trình xây dựng BLHS năm 2015, có một số ý kiến đề nghị bỏ hình phạt trục xuất là hình phạt chính vì cho rằng nếu Tòa án áp dụng hình phạt này đối với người nước ngoài phạm tội thì kém hiệu quả. Cũng có ý kiến cho rằng nên bỏ hình phạt trục xuất là hình phạt bổ sung và chỉ để là hình phạt chính cũng bảo đảm việc xử lý.

Tuy nhiên, việc áp dụng hình phạt trục xuất là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong thực tiễn không có gì vướng mắc. Hình phạt trục xuất vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung tạo ra sự linh hoạt trong áp dụng của Tòa án đối với từng trường hợp phạm tội cụ thể. Trong những năm qua, đã có rất nhiều vụ án do người nước ngoài phạm tội được Tòa án xét xử nghiêm minh. Một số người nước ngoài đã bị Tòa án phạt tù giam, tù chung thân hoặc tử hình. Những trường hợp bị phạt tù đều bị Tòa án áp dụng hình phạt bổ sung là trục xuất sau khi đã chấp hành xong hình phạt tù.

BLHS năm 2015 đã giữ nguyên quy định về hình phạt trục xuất.

6.8. Tù có thời hạn (Điều 38)

Quy định về tù có thời hạn có một số sửa đổi cần lưu ý như sau:

Một là: sửa từ “Chấp hành hình phạt tại trạm giam” thành “Chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ” để phù hợp với thực tiễn là có một số người không phải chấp hành hình phạt tại trạm giam mà họ được giữ lại tại các trại tạm giam để phục vụ công việc của nơi giam giữ đó theo quy định của Bộ Công an. Mặt khác, Bộ Công an cũng sử dụng thuật ngữ cơ sở giam giữ để dùng chung cho tất cả những nơi mà Bộ này có trách nhiệm quản lý những người đang bị bắt giữ.

Hai là: khoản 2 Điều 38 quy định:

  1. Không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng”.

Đây là một quy định rất mới nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc áp dụng hình phạt tù có thời hạn và tăng cường áp dụng các hình phạt khác không phải là hình phạt tù. Những trường hợp này cũng không được áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo vì án treo là hình phạt tù có thời hạn, là một biện pháp chấp hành hình phạt tù có thời hạn. Với định hướng giảm quy định và giảm áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm, BlHS đã không quy định hình phạt tù đối với 26 loại tội danhtrong phần các tội phạm (26/314 tội = 08%).

6.9. Tù chung thân (Điều 39)

“Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình. Không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi”. BLHS năm 2015 không sử dụng thuật ngữ người chưa thành niên nữa mà sử dụng thuật ngữ “người dưới 18 tuổi”.

6.10. Tử hình (Điều 40)

“Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định”.

Đối với hình phạt tử hình, việc hạn chế đến mức tối đa trong quy định, trong áp dụng và trong thi hành loại hình phạt này là một định hướng lớn của việc sửa đổi BLHS. Vì vậy, điều luật này đã thu hẹp phạm vi áp dụng và thi hành hình phạt tử hình, cụ thể là:

– Một là: Thu hẹp các tội đặc biệt nghiêm trọng có quy định hình phạt tử hình trong một số nhóm tội hoặc một số tội. Loại bỏ hình phạt tử hình đối với những tội phạm không cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình.

– Hai là: Thu hẹp phạm vi áp dụng và thi hành hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên.

– Ba là: Thu hẹp phạm vi thi hành án tử hình đối với người đã bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản đã tham ô, nhận hối lộ.

6.11. Các hình phạt bổ sung: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc là công việc nhất định (Điều 41), cấm cư trú (Điều 42), quản chế (Điều 43), tước một số quyền công dân (Điều 44) được giữ nguyên tinh thần của các hình phạt này của BLHS năm 1999 và chỉ sửa về kỹ thuật (thay các chữ một năm đến năm năm bằng số 01 năm đến 05 năm).

6.12. Tịch thu tài sản (Điều 45)

“Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước”.

Tài sản của người bị kết án bị Tòa án quyết định tịch thu một phần hoặc toàn bộ là tài sản không liên quan đến tội phạm. Nếu các tài sản của người bị kết án có liên quan đến tội phạm thì bị tịch thu theo quy định của Điều 47 BLHS 2015 và đó là việc Tòa án áp dụng biện pháp tư pháp chứ không phải là áp dụng hình phạt bổ sung.

Điểm mới của điều luật này là quy định cụ thể “Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định”.

Như vậy, điều luật đã thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tịch thu tài sản. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt này khi xét xử các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng hoặc các tội phạm mà trong điều luật đó có quy định được áp dụng hình phạt tịch thu tài sản.

  1. Chương VII: Các biện pháp tư pháp

7.1. Các biện pháp tư pháp (Điều 46)

Đây là một điều luật mới quy định rõ các biện pháp tư pháp. Các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội vẫn gồm:

– Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;

– Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc công khai xin lỗi;

– Bắt buộc chữa bệnh.

Điều luật này quy định các biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm:

– Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;

– Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc công khai xin lỗi;

– Khôi phục lại tình trạng ban đầu;

– Thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.

Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại được quy định cụ thể tại Điều 82 của BLHS năm 2015.

7.2. Bắt buộc chữa bệnh (Điều 49)

Khoản 1 quy định “Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quy định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh”.

Đây là một quy định mới. Theo quy định tại Điều 21 thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một số bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự vì họ ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Điều luật chỉ bổ sung “Giám định pháp y tâm thần” để phù hợp với luật giám định tư pháp năm 2012 vì đây là hai lĩnh vực giám định tư pháp khác nhau.

Các quy định khác về bắt buộc chữa bệnh vẫn được kế thừa tinh thần của Điều 43 (Bắt buộc chữa bệnh) của BLHS năm 1999, nhưng đưa quy định về việc thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù về quy định tại Điều 49 BLHS năm 2015.

  1. Chương VIII: Quyết định hình phạt

Chương VIII Quyết định hình phạt được thiết kế thành hai mục

Mục 1: Quy định chung về quyết định hình phạt

Mục 2: Quyết định hình phạt trong các trường hợp cụ thể

8.1. Căn cứ quyết định hình phạt (Điều 50)

Khoản 1 của điều luật này được giữ nguyên như quy định của Điều 45 BLHS năm 1999 “Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”.

Điều luật này bổ sung khoản 2:

  1. Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội”.

Đây là một bổ sung mới nhằm bảo đảm tính khả thi của bản án khi quyết định hình phạt tiền dù là hình phạt chính hay hình phạt bổ sung.

8.2. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 51)

– So với Điều 46 của BLHS năm 1999, thì Điều 51 BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; cụ thể là:

+ Điểm đ: Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.

+ Điểm l: Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra.

+ Điểm p: Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng.

+ Điểm x: Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được ghép trong cùng một điểm như đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm (điểm a); tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả (điểm b); phạm tội chưa gây thiệt hại, gây thiệt hại không lớn (điểm h); thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải quy định tại Điều 46 BLHS năm 1999 đã được sửa từ các dấu phẩy thành chữ hoặc. Như vậy, nếu người phạm tội có đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ quy định ghép trong một điểm của khoản 1 Điều 51 thì họ sẽ có nhiều tình tiết giảm nhẹ chứ không phải chỉ có một tình tiết giảm nhẹ. Đây là vấn đề rất quan trọng để Tòa án xem xét khi quyết định hình phạt, đặc biệt là xem xét để áp dụng Điều 54 “Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng”. Ví dụ: điểm a khoản 1 Điều 51 “người phạm tội đã ngăn chặn hoặc giảm bớt tác hại của tội phạm”; điểm b “tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”; điểm s “người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải”

– Khoản 2 Điều 51 bổ sung thêm: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”.

Theo điểm d khoản 1 Điều 3 BLHS năm 2015 thì người đầu thú là đối tượng được khoan hồng. Vì vậy họ đương nhiên được hưởng tình tiết giảm nghẹ trách nhiệm hình sự vì các tình tiết giảm nhẹ thực chất là cụ thể hóa nguyên tắc xử lý của Điều 3 BLHS mà thôi. Do đó, đối với người đầu thú, Tòa án phải coi đó là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không phải là “có thể”.

8.3. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điều 52)

So với Điều 48 BLHS năm 1999, thì Điều 52 có một số sửa đổi như sau:

– Một là: bổ sung tình tiết tăng nặng đối với trường hợp phạm tội với người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; người già được quy định cụ thể là người đủ 70 tuổi trở lên;

– Hai là: bỏ các tình tiết phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng vì đây là những tình tiết định tội, định khung hình phạt đã được quy định cụ thể trong các điều luật của Phần các tội phạm nên không được coi là tình tiết tăng nặng nữa;

– Ba là: Bỏ tình tiết xâm phạm tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, trong quy định ở một số tội phạm cụ thể tình tiết xâm phạm tài sản của Nhà nước vẫn được quy định là tình tiết định khung hoặc định tội.

– Bốn là: Một số tình tiết tăng nặng được tách thành các điểm riêng biệt như: phạm tội 02 lần và tái phạm, tái phạm nguy hiểm (tách ra từ điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999); dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội và dùng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội (tách ra từ điểm m khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999 và có bổ sung thủ đoạn tinh vi ở điểm m khoản 1 Điều 52).

8.4. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm (Điều 53)

Về cơ bản, quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm vẫn kế thừa quy định của Điều 49 BLHS năm 1999. Điều luật này chỉ sửa về kỹ thuật khi thay cụm từ “lại phạm tội” bằng cụm từ “lại thực hiện hành vi phạm tội” để phù hợp hơn với quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, khi áp dụng Điều 53 cần phải hết sức chú ý đến quy định rất mới của khoản 2 Điều 69 BLHS năm 2015 về “xóa án tích”

“2. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích”. Cũng cần lưu ý đến quy định mới tại Điều 107 BLHS năm 2015 “xóa án tích” những trường hợp này không được coi là tái phạm vì không được coi là có án tích đồng thời,cũng không được coi là tái phạm nguy hiểm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 “b)Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội”. Đây là những vấn đề rất quan trọng để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm vì liên quan đến tình tiết định khung tăng nặng và việc quyết định hình phạt.

8.5. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng (Điều 54)

Điều luật này có một số sửa đổi, bổ sung như sau:

– Một là: Sửa về kỹ thuật lập pháp: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của luật này”.

– Hai là: Bổ sung khoản 2 của điều luật

  1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”.

Đây là một quy định mới nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn xét xử của Tòa án đối với những trường hợp người phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án có đồng phạm, nhưng vai trò không đáng kể, tức là thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, nhưng bị truy tố ở khung hình phạt nặng như những người đồng phạm khác. Theo quy định của Điều 47 BLHS năm 1999, thì dù có xem xét, khoan hồng tối đa thì Tòa án cũng chỉ được phép áp dụng hình phạt trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật và khung hình phạt đó vẫn là quá nghiêm khắc.

Tuy nhiên, cần chú ý là người được Tòa án áp dụng khoản 2 Điều luật này cũng phải thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 1 của điều luật tức là họ phải có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS 2015 (khoản 2 là quy định đặc biệt của khoản 1 điều luật này).

8.6. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 55); tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (Điều 56); quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm (Điều 58); miễn hình phạt (Điều 59) là những quy định được kế thừa các quy định này của BLHS năm 1999 nhưng chỉ sửa về kỹ thuật như ba ngày thành 03 ngày; một ngày thành 01 ngày; sửa “phạm tội” thành “thực hiện hành vi phạm tội mới”.

8.7. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (Điều 57)

Khoản 1 của điều luật này được giữ nguyên tinh thần của Điều 52 BLHS năm 1999, nhưng có sửa đổi lớn là đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, thì hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể (các điều luật cụ thể này quy định tại Điều 14 (chuẩn bị phạm tội). Tòa án chỉ được phép áp dụng trong phạm vi mức hình phạt quy định trong các điều luật cụ thể đó.

Ví dụ: Khoản 3 Điều 123 (tội giết người) quy định:

“3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”

– Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, thì điều luật này quy định rõ “nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm, nếu là tù có thời hạn, thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật này quy định”.

Như vậy, người phạm tội chưa đạt, dù đó là tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì Tòa án cũng không được áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình như quy định tại khoản 3 Điều 52 BLHS năm 1999.

Đây cũng là một quy định mới nhằm giảm bớt việc quy định và áp dụng hình phạt tử hình, mặc dù trong thực tiễn xét xử cũng chưa có trường hợp phạm tội chưa đạt nào bị Tòa án áp dụng hình phạt tử hình hoặc tù chung thân.

  1. Chương IX: Thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt

9.1. Thời hiệu thi hành bản án (Điều 60)

Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn mà khi hết thời hạn do BLHS quy định thì người bị kết án hoặc pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên. Các thời hạn để xác định thời hiệu thi hành bản án được kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 55 BLHS năm 1999. Điều luật chỉ bổ sung thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 05 năm.

Mặc dù BLHS chỉ quy định thời hiệu thi hành bản án mà không quy định thời hiệu thi hành quyết định của Tòa án, nhưng chúng ta phải hiểu là những quyết định giám đốc thẩm, tái phẩm cũng là bản án và chỉ khác tên gọi. Theo quy định của Luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính đã được Quốc hội thông qua thì Tòa án cấp giám đốc thẩm có quyền sửa bản án. Các quyết định này cũng bị điều chỉnh bởi quy định về thời hiệu thi hành chứ không phải là không có thời hiệu thi hành.

9.2. Miễn chấp hành hình phạt (Điều 62)

Điều luật này được thiết kế lại theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn.

– Khoản 1 “1. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá”. Đây là trường hợp đương nhiên được miễn chấp hành hình phạt.

– Khoản 2 quy định những trường hợp cụ thể đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt, nếu được Viện trưởng Viện kiểm sát đề nghị, thì Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành các hình phạt đó. Các trường hợp cụ thể là:

+ Sau khi bị kết án đã lập công;

+ Mắc bệnh hiểm nghèo;

+ Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Quy định này đã sửa “lập công lớn” thành “lập công” và quy định rõ chỉ cần người bị kết án thuộc một trong các trường hợp nên trên là có thể được xét miễn chấp hành hình phạt.

– Quy định về miễn chấp hành hình phạt đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm chưa chấp hành hình phạt cũng có thể được xét miễn chấp hành hình phạt nếu họ lập công lớn, mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là một quy định mới mở rộng đối tượng được xét miễn chấp hành hình phạt tù có thời hạn.

– Quy định về người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, nếu Viện trưởng Viện kiểm sát có đề nghị, thì Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

Điểm mới trong quy định này là điều luật bổ sung thêm hai trường hợp có thể được xét miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại là hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Quy định mới này mở rộng hơn các trường hợp được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại và có ý nghĩa nhân văn, đồng thời cũng thể hiện tính hướng thiện của BLHS.

– Điều luật bổ sung thêm quy định về miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại đối với người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt, nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, ốm đau gây ra mà họ không thể chấp hành được phần tiền phạt còn lại hoặc họ đã lập công lớn.

– Điều luật này cũng bổ sung quy định tại khoản 7

  1. Người được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều này vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án”.

9.3. Giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 63)

Quy định tại Điều 63 BLHS năm 2015 có một số sửa đổi, bổ sung. Cụ thể như sau:

– Một là: Mở rộng hơn đối tượng được xét giảm hình phạt đã tuyên đó là trường hợp đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự.

– Hai là: Khoản 3 của điều luật này quy định:

“3. Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần, nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm”.

Đây là một quy định mới đối với trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều tội, trong đó có tội bị kết án tù chung thân. Tuy nhiên điều luật không có quy định trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, trong đó có bản án kết án tù chung thân với một tội. Trường hợp này có được coi là “bị kết án về nhiều tội” không? Đó là vấn đề cần được giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất.

– Ba là: Khoản 5 của điều luật này bổ sung trường hợp đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trong, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc trường hợp hình phạt chung là tù chung thân, thì việc xét giảm án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

– Khoản 6 của điều luật này quy định:

“6. Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này, thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần, nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm”.

Quy định này là một quy định mới và nghiêm khắc hơn đối với trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân. Theo quy định của BLHS năm 1999 thì họ được xét giảm như những người bị kết án tù chung thân khác tức là nếu họ đã chấp hành hình phạt 12 năm, thì họ đã có thể được xét giảm án lần đầu và thời hạn thực tế chấp hành hình phạt cũng chỉ là 20 năm.

9.4 Án treo  (Điều 65)

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện chứ không phải là một loại hình phạt quy định trong BLHS. Điều 65 BLHS năm 2015 quy định về Án treo là tiếp tục kế thừa chế định này của lịch sử lập pháp Việt Nam từ khi thành lập nước. Mặc dù có những ý kiến cho rằng chế định án treo hạn chế tác dụng của hình phạt tù hoặc tạo ra cho Thẩm phán sự tùy nghi trong áp dụng và quan trọng hơn là việc thực thi, quản lý và giám sát người được hưởng án treo còn lỏng lẻo. Các vấn đề nêu trên có thể đúng nhưng không phải do nguyên nhân chủ yếu ở quy định về án treo mà do khâu tổ chức thi hành pháp luật chưa tốt. Tuy nhiên, dưới góc độ quy định của BLHS năm 1999 về án treo, thì cũng có những vấn đề cần sửa đổi cho chặt chẽ và chính xác hơn.

Điều 65 BLHS năm 2015 quy định về án treo đã có một số sửa đổi như sau :

Một là: bổ sung quy định người phạm tội còn phải “thực hiên các vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự”.

Hai là: bổ sung “trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”.

Đây là một quy định mới nghiêm khắc hơn đối với người được hưởng án treo và nhằm đề cao hơn tác dụng của án treo đối với người bị kết án nói riêng và phòng ngừa chung.

Quy định về trường hợp trong thời gian thử thách, nếu người bị kết án phạt tù cho hưởng án treo lại thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới vẫn được kế thừa trong khoản 5 của điều luật này.

9.5 Tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66)

Đây là một chế định lần đầu tiên đươc quy định trong BLHS Việt Nam và được đánh giá cao bởi nó thể hiện rõ rệt chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội đang chấp hình hình phạt tù. Khoan hồng và nhân đạo được thể hiện đầy đủ trong chế định này.

Điều 66 quy định:

“1. Người đang chấp hành án phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:

  1. Phạm tội lần đâu ;
  2. Có nhiều tiến bộ , có ý thức cải tạo tốt ;
  3. Đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở lên;
  4. Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự;
  5. Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức thời hạn tù đối với hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.

Trường hợp người phạm tội là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên , người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt  nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì thời gian đã chấp hành ít nhất một phần ba hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.

  1. Không áp dụng quy định của Điều này đối với người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau đây :
  2. Người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội khủng  bố; tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh hoặc người bị kết án tù 10 năm trở lên đối với tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người; 07 năm tù trở lên đối với các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và sản xuất, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy;
  3. Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này.
  4. Theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người bị kết án. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù.
  5. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên trong thời gian thử thách, thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành.

Nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.

  1. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành được ít nhất là một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.”

9.6. Quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù (Điều 67) và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (Điều 68) được giữ nguyên tinh thần của các Điều 61 và 62 BLHS năm 1999.

Nguyễn Quang Lộc – Thành viên Tổ chuyên gia xây dựng BLHS năm 2015 – Theo website: toaan.gov.vn

(còn tiếp)

  .

Sản Phẩm Liên Quan