Từ tháng 9 này, nhiều chính sách mới trong lĩnh vực Bảo hiểm – Chứng khoán – Tiền tệ bắt đầu có hiệu lực thi hành. Trong đó, nổi bật là:
>> Chính sách nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 9/2015
>> Chính sách nổi bật có hiệu lực từ 01/9/2015
1. Hướng dẫn tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Điều 52 Luật việc làm và một số điều Nghị định 28/2015/NĐ-CP, từ ngày 01/01/2015, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của người lao động được xác định như sau:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng = Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trước khi thất nghiệp x 60%.
– Trường hợp người lao động có thời gian gián đoạn đóng BHTN trước khi thất nghiệp thì 06 tháng liền kề để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là bình quân tiền lương của 06 tháng đóng BHTN trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định pháp luật.
– Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của người lao động không quá:
+ 05 lần mức lương cơ sở với người lao động hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
+ 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực 15/9/2015.
2. Hướng dẫn mới về bảo hiểm y tế
Từ ngày 01/9/2015, Thông tư liên tịch 16/2015/TTLT-BYT-BTC sửa đổi Khoản 5 Điều 13 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, Trường hợp cơ sở y tế có tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm xã hội để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện. Người có thẻ bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế. Cơ sở y tế có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, phải công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế và phải thông báo trước cho người bệnh, người bệnh phải tự chi trả phần chi phí ngoài phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế (nếu có).
3. Mở rộng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại TTCK
Nội dung này được quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP, bãi bỏ Quyết định 55/2009/QĐ-TTg.
Cụ thể, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng Việt Nam được thực hiện như sau:
– Trường hợp điều ước quốc tế (ĐƯQT) mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì thực hiện theo ĐƯQT;
– Công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì áp dụng quy định đó, trường hợp chưa có quy định mà hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%;
– Công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu không vượt quá mức thấp nhất mà các ngành, nghề đó có quy định, trừ trường hợp ĐƯQT có quy định khác;
– Đối với công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định trên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
4. Hướng dẫn mới về phát hành trái phiếu Chính phủ
Thông tư 111/2015/TT-BTC hướng dẫn phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước có một số điểm đáng chú ý sau:
– Tối thiểu 04 ngày làm việc trước ngày tổ chức phát hành trái phiếu, Sở Giao dịch chứng khoán (Sở GDCK) gửi thông báo phát hành trái phiếu tới toàn bộ thành viên đấu thầu và công bố thông tin trên trang tin điện tử.
– Chậm nhất vào 10 giờ 30 phút ngày tổ chức phát hành, các thành viên đấu thầu gửi Sở GDCK thông tin dự thầu theo quy trình và mẫu đăng ký dự thầu do Sở GDCK quy định.
Mỗi thành viên đấu thầu và mỗi khách hàng của thành viên đấu thầu dự thầu cạnh tranh lãi suất được phép đặt tối đa 05 mức dự thầu trên một phiếu dự thầu.
Đối với trường hợp mua trái phiếu cho khách hàng, thành viên đấu thầu phải cung cấp đầy đủ tên khách hàng, mức lãi suất và khối lượng dự thầu tương ứng của mỗi khách hàng.
– Chậm nhất 15 phút sau thời gian đăng ký dự thầu cuối cùng Sở GDCK mở thầu, tổng hợp thông tin gửi cho Kho bạc Nhà nước.
Thông tư 111/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/9/2015 và thay thế Thông tư 17/2012/TT-BTC, 203/2013/TT-BTC.
5. Ngân hàng được mua nợ khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%
Nội dung này được điều chỉnh bởi Thông tư 09/2015/TT-NHNN và có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2015. Cụ thể:
– Tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận tại Giấy phép thành lập và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%;
Trường hợp bán nợ thì không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước;
– Tương tự, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản là công ty con của TCTD chỉ được mua nợ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, TCTD khác khi TCTD mẹ có tỷ nệ lợ xấu dưới 3%, trừ khi mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Thông tư này thay thế Quyết định 59/2006/QĐ-NHNN.
6. Hỗ trợ cho vay đối với hộ mới thoát nghèo
Các hộ mới thoát nghèo sẽ được hỗ trợ các chính sách cho vay theo quy định tại Quyết định 28/2015/QĐ-TTg như sau:
– Nguồn vốn: theo quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
– Mức cho vay: do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay cùng loại phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ.
– Thời hạn cho vay: do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 5 năm.
– Lãi suất cho vay: bằng 125% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
– Gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn: thực hiện như đối với hộ nghèo theo quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP .
Nội dung này được thực hiện từ ngày 05/9/2015 và được thực hiện giải ngân đến hết ngày 31/12/2020. .