Nội dung cơ bản Luật Xử lý VPHC 2012

Ngày 20/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13.

Luật Xử lý vi phạm hành chính được bố cục thành 06 phần, 12 chương, 142 điều.

  1. Phần thứ nhất: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 20);
  2. Phần thứ hai: Xử phạt vi phạm hành chính (gồm 03 chương, 68 điều, từ Điều 21 đến Điều 88);
  3. Phần thứ ba: Các biện pháp xử lý hành chính (gồm 05 chương, 30 điều từ Điều 89 đến Điều 118);
  4. Phần thứ tư: Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính (gồm 2 chương, 14 điều từ Điều 119 đến Điều 132);
  5. Phần thứ năm: Những quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính (gồm 2 chương, 8 điều từ Điều 133 đến Điều 140)
  6. Phần thứ sáu: Điều khoản thi hành (gồm 2 điều Điều 141 và Điều 142).

Những điểm mới cơ bản của Luật Xử lý vi phạm hành chính:

Về một số quy định chung

Luật Xử lý vi phạm hành chính đã giải thích các thuật ngữ thường được sử dụng áp dụng trong quá trình áp dụng pháp luật (Điều 2) như: Vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp xử lý hành chính, biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính, tái phạm, vi phạm hành chính nhiều lần, vi phạm hành chính có tổ chức, giấy phép chứng chỉ hành nghề, tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng, người không có năng lực trách nhiệm hành chính…

Đồng thời Luật Xử lý vi phạm hành chính xác định những hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính (Điều 12), trong đó nhấn mạnh các hành vi nghiêm cấm đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính như: Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định; Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định…

Mặt khác, nhằm khắc phục những bất cập trong thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đồng thời để theo dõi, kiểm tra, báo cáo, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính, Luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ và Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ trong việc thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tòa án nhân dân, các bộ, ngành và UBND các cấp có trách nhiệm thực hiện hoặc phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (Điều 17).

Về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

So với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Luật đã bổ sung hình thức thêm 02 hình thức xử phạt chính là: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc định chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để VPHC (Điều 21); một số biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra  như buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, phương tiện, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (Điều 28).

Quy định về mức xử phạt tiền

So với Pháp lệnh hiện hành, Điều 23 và Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã điều chỉnh khung phạt tiền, theo đó, mức phạt tối thiểu tăng từ 10 ngàn đồng lên 50 ngàn đồng, mức phạt tối đa tăng từ 500 triệu đồng lên 2 tỷ đồng. Mức phạt tối đa đến 2 tỷ đồng được quy định đối với 5 lĩnh vực là quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường, đối tượng áp dụng xử phạt các tổ chức vi phạm trong những lĩnh vực này.

Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định cơ chế xử phạt đặc thù đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó, tại khu vực nội thành của các thành phố này, Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào hành vi, khung phạt do Chính phủ quy định và yêu cầu quản lý kinh tế xã hội của địa phương có thể quy định mức phạt tiền cao hơn trong lĩnh vực giao thông, môi trường và an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhưng không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm đã được quy định.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Về cơ bản, Luật xử phạt vi phạm hành chính quy định các chức danh có thẩm quyền xử phạt được kế thừa trên cơ sở Pháp lệnh hiện hành và có bổ sung thêm một số chức danh như Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh văn hóa, tư tưởng, Trưởng phòng An ninh thông tin; Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành…

So với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo một mức phạt tiền cố định đối với mỗi chức danh xử phạt, mà quy định theo tỷ lệ phần trăm (%) so với các mức phạt tối đa được quy định tại Điều 24, đồng thời có khống chế mức trần. Theo cách quy định này,đối với mỗi chức danh xử phạt sẽ có nhiều mức phạt tối đa khác nhau, tùy thuộc vào từng nhóm hành vi vi phạm. Quy định này tạo ra sự linh hoạt trong việc quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn bảo đảm khống chế mức phạt tiền tối đa đối với từng chức danh có thẩm quyền xử phạt.

Thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các tình tiết phải xác minh khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 59) và quyền giải trình của các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong trường hợp có thể bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối tổ chức (Điều 61). Đây là các quy định mới nhằm bảo đảm tính khách quan, dân chủ trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, góp phần giảm thiểu việc khiếu nại trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính.

Nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính bổ sung quy định người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (pháp luật hiện hành chỉ quy định áp dụng trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông). Việc sử dụng các trang thiết bị này phải đảm bảo một số nguyên tắc như tôn trọng các quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các lợi ích hợp pháp khác của công dân và tổ chức; tuân thủ đúng quy trình, quy tắc về sử dụng phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ, kết quả thu thập bằng phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ phải được bằng văn bản và chỉ được sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính… Đồng thời, giao cho Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính.

Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.

Đồng thời, Luật Xử lý vi phạm hành chính bổ sung quy định trường hợp cá nhân bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn mà không có khả năng thi hành quyết định thì có thể được xem xét giảm, miễn phần còn lại tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt.

Các biện pháp xử lý hành chính

– Về đối tượng áp dụng: So với quy định hiện hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính hạn chế áp dụng biện pháp đối với chưa thành niên từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi; bỏ đối tượng bán dâm có tính chất thường xuyên từ đủ 14 tuổi trở lên có nơi cư trú nhất định… Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính bổ sung đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS (hiện nay thuộc đối tượng bị đưa vào trường giáo dưỡng) và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS; nâng độ tuổi của người nhiều lần có hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối trật tự công cộng từ đủ 12 tuổi (Pháp lệnh hiện hành) lên đủ 14 tuổi. Mặt khác, đối với người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định, nếu theo Pháp lệnh hiện hành sẽ thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, nhưng với Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối tượng này sẽ được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đồng thời, nếu Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành hiện hành đưa đối tượng bán dâm vào cơ sở chữa bệnh thì Luật Xử lý vi phạm hành chính coi việc áp dụng biện pháp này đối với người bán dâm người là quá nghiêm khắc, không phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm và không đảm bảo công bằng trong chính sách xử lý. Vì vậy, việc bỏ quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính với đối tượng này là phù hợp.

– Thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, LuậtXử lý vi phạm hành chính bỏ quy định thành lập Hội đồng tư vấn và đề cao trách nhiệm của công chức tư pháp, theo đó, công chức tư pháp – hộ tịch có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và tổ chức cuộc họp tư vấn; Trưởng phòng tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

– Về thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đồng thời, quy định Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp: Đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 91), đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (Điều 93), đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 95).

Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính

Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định có 9 biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, trong đó bổ sung biện pháp áp giải người vi phạm (khoản 2 Điều 119); nguyên tắc áp dụng biện pháp ngăn chặn (Điều 120) và bổ sung các chức danh có thẩm quyền áp dụng đối với từng biện pháp ngăn chặn, như Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển; Thẩm phán chủ tọa phiên tòa (Khoản 1 Điều 123) nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và hiệu quả của xử lý vi phạm hành chính.

Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định một số nội dung mới về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính. Theo đó, đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì tang vật, phương tiện đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

Những quy định mới đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính

Khác với quy định hiện hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã dành một phần riêng để quy định về chính sách xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, trong đó bao gồm các quy định chung về việc xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, bao gồm nguyên tắc xử lý; việc áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng).

Bên cạnh đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định về các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên như biện pháp nhắc nhở (Điều 139), quản lý tại gia đình (Điều 140); đồng thời quy định về điều kiện, thẩm quyền và thủ tục áp dụng các biện pháp thay thế.

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2013./.

Sau đây là Nội dung Luật xử lý vi phạm hành chính 2012

  .

Sản Phẩm Liên Quan