Một số sửa đổi, bổ sung cơ bản của Bộ luật hình sự năm 2015 (Phần I)

Bộ luật hình sự đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1985, đánh dấu một bước tiến lớn của công tác lập pháp. Bộ luật này ra đời trong bối cảnh của nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp nên đã mang đầy đủ hơi thở của thời kỳ đó. Những thay đổi về kinh tế, xã hội, yêu cầu hội nhập kinh tế, mở rộng quan hệ quốc tế, không phân biệt chế độ chính trị là những đòi hỏi tất yếu phải sửa đổi hệ thống pháp luật, trong đó có Bộ luật hình sự (BLHS). Chính vì vậy, BLHS Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1989, 1991, 1992, 1997, 1999, 2009. Trong những năm qua, BLHS thực sự trở thành một công cụ sắc bén của nhà nước trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân và góp phần to lớn trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, trước những thay đổi lớn về kinh tế – xã hội và nhu cầu ngày càng cao về hội nhập quốc tế đặc biệt là sau khi Hiến pháp năm 2013 ra đời, đồng thời qua thực tiễn áp dụng thì BLHS cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, vướng mắc bởi có những quy định không còn phù hợp cần phải sửa đổi, có những mối quan hệ xã hội cần phải điều chỉnh bằng pháp luật hình sự để bảo đảm sự phát triển của xã hội hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung BLHS là một yêu cầu tất yếu, đặc biệt là yêu cầu thi hành Hiến pháp năm 2013.

Bộ Tư pháp là cơ quan được Quốc hội giao cho chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu xây dựng Bộ luật hình sự năm 2015.

Hơn hai năm qua, Ban soạn thảo, đặc biệt là Tổ biên tập và Tổ chuyên gia đã hết sức cố gắng nghiên cứu về lý luận, thực tiễn áp dụng BLHS 2009, học tập kinh nghiệm xây dựng pháp luật của các quốc gia như Mỹ, Nhật, Úc, Đức, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Canada… Bộ Tư pháp đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo trong nước có sự tham gia của các chuyên gia về hình sự hàng đầu của Việt Nam và chuyên gia quốc tế xung quanh việc xây dựng BLHS năm 2015.

Các Dự thảo của BLHS năm 2015 được đưa ra xin ý kiến các ngành được thảo luận tại Quốc hội, được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân và được tiếp thu, chỉnh lý rất nhiều lần trước khi trình Quốc hội XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10 ngày 27 tháng  11 năm 2015 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Bộ luật hình sự này được gọi là Bộ luật hình sự năm 2015.

I/ Những định hướng sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự

Bộ luật hình sự năm 2015 phải bảo đảm thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, tạo ra cơ chế hữu hiệu để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

  1. Đổi mới chính sách hình sự nhằm bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

– Phi hình sự hóa đối với những hành vi không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường, thậm chí còn là vật cản sự phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế.

– Hình sự hóa các quan hệ xã hội nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh của kinh tế thị trường

  1. Đề cao tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.

– Mở rộng phạm vi áp dụng loại trừ trách nhiệm hình sự trong các trường hợp bắt giữ người phạm pháp; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của cấp trên hoặc người chỉ huy…

– Giảm hình phạt tù, mở rộng việc quy định, áp dụng các hình phạt khác không phải là hình phạt tù như cải tạo không giam giữ, phạt tiền.

– Hạn chế đến mức tối đa trong quy định, áp dụng và thi hành hình phạt tử hình.

– Hoàn thiện các chế định về chuẩn bị phạm tội, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm theo hướng thu hẹp phạm vi xử lý.

– Hoàn thiện các chế định về thi hành án hình sự như miễn, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích… nhằm hạn chế việc phải chấp hành hình phạt tù trong các cơ sở giam giữ.

– Hoàn thiện chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên phạm tội theo tinh thần của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em theo hướng thu hẹp tối đa việc xử lý hình sự đối với trẻ em.

3, Đổi mới chính sách hình sự trong việc hình sự hóa

– Quy định các tội phạm mới trong các lĩnh vực kinh tế, bảo vệ quyền con người, trong bảo đảm an ninh xã hội.

– Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

  1. Đổi mới chính sách hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

– Bảo đảm nội luật hóa các quy định của Công ước quốc tế: Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước chống tham nhũng; Nghị định thư về việc phòng ngừa, trấn an và trừng trị buôn bán người; Công ước chống tra tấn; Công ước chống rửa tiền; Công ước chống bắt cóc các con tin; Công ước về quyền trẻ em…

  1. Đổi mới chính sách hình sự theo hướng đề cao tính minh bạch, tính khả thi và tính dự báo tình hình tội phạm; bảo đảm tính thống nhất trong Phần chung và Phần các tội phạm, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

– Giải quyết về kỹ thuật lập pháp trong trật tự thiết kế điều luật, rút ngắn khoảng cách của mức hình phạt tù trong các khoản của các tội phạm cụ thể bằng cách chia nhỏ các khung hình phạt; tách các tội ghép thành các tội riêng biệt, mô tả hành vi phạm tội cụ thể, rõ ràng trong cấu thành cơ bản của tội phạm; thay chữ bằng số (một năm tù là 01 năm tù)

– Khắc phục cơ bản những quy định mang tính định tính, định lượng không rõ ràng, trừu tượng như hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính lớn, rất lớn, đặc biệt lớn; số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, quy mô lớn…

– Thay thế tội Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng các tội phạm cụ thể khác trong lĩnh vực quản lý kinh tế nhằm bảo đảm tính minh bạch trong xử lý tội phạm.

  1. Bảo đảm việc thừa kế những quy định của BLHS 1999

– Những quy định không có vướng mắc trong thực tiễn áp dụng và vẫn phát huy tác dụng trong đấu tranh phòng chống tội phạm được kế thừa tinh thần của quy định đó. Mặc dù hầu hết các điều luật của BLHS 1999 đã có sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật lập pháp, nhưng cũng rất nhiều các quy định, đặc biệt là trong phần tội phạm được giữ nguyên tinh thần của điều luật.

Những định hướng lớn, cơ bản nêu trên là những định hướng đổi mới chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước và đó là kim chỉ nam của Ban soạn thảo, Tổ biên tập và Tổ chuyên gia trong việc nghiên cứu, xây dựng BLHS 2015.

II/ Những sửa đổi, bổ sung cơ bản của Phần chung BLHS năm 2015

1) Chương I: Điều khoản cơ bản

1.1. Nhiệm vụ của BLHS:

Về cơ bản BLHS năm 2015 vẫn kế thừa các nhiệm vụ của BLHS năm 1999 nhưng có sửa đổi nhằm nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước và nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân là những vấn đề đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.

1.2 Cơ sở của trách nhiệm hình sự (Điều 2)

Trách nhiện hình sự không chỉ của cá nhân mà còn là của pháp nhân, thương mại. Pháp nhân thương mại là pháp nhân hoạt động vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận. Pháp nhận thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm một tội quy định tại Điều 76 của BLHS 2015.

1.3 Nguyên tắc xử lý (Điều 3)

Về cơ bản, nguyên tắc xử lý không có gì thay đổi lớn đối với người phạm tội. Điều luật bỏ việc nghiêm trị đối với đối tượng lưu manh bởi lưu manh là một khái niệm trừu tượng và khó xác định. Điều luật bổ sung khoan hồng đối với người phạm tội đầu thú; bổ sung chính sách tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đang chấp hành hình phạt tù nhưng có đủ điều kiện quy định của Bộ luật hình sự.

Bổ sung nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội

2) Đối với pháp nhân thương mại phạm tội

  1. a) Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;
  2. b) Mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế;
  3. c) Nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
  4. d) Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại xảy ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra.”

1.4 Trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm (Điều 4)

Về cơ bản, tinh thần của điều luật được giữ nguyên, chỉ sửa đổi về kỹ thuật. Ví dụ: Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, bỏ cơ quan tư pháp, Thanh tra để gộp chung vào cụm từ “và các cơ quan hữu quan khác”.

  1. Chương II: Hiệu lực của Bộ luật hình sự

2.1. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 5)

“1. Bộ luật hình sự được áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam, hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam” quy định tại đoạn 2 khoản 1 là một quy định mới nhằm mở rộng phạm vi xử lý của BLHS đối với những hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam cho dù tàu bay, tàu biển đó đang hoạt động ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên các phương tiện giao thông này

Ví dụ: Đặt mìn tại tàu biển ở nước ngoài, trên tàu biển mang quốc tịch Việt Nam, nhưng vụ nổ mìn xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Thực ra, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam cũng là lãnh thổ của Việt Nam, quy định này có ý nghĩa khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, đồng thời khẳng định hiệu lực của BLHS đối với cả những trường hợp tội phạm xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam.

2.2. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 6)

Điều luật bổ sung thêm người nước ngoài hoặc pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS Việt Nam nếu như hành vi phạm tội xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dânViệt Nam, lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Quy định mới này khẳng định quyền xử lý của Việt Nam chứ không còn là có thể được xử lý như quy định của BLHS năm 1999.

Khoản 3 của Điều 6 quy định có thể xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển không mang quốc tịch Việt Nam, ở ngoài lãnh thổ (vùng trời, vùng biển) của Việt Nam nếu điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định được quyền xử lý.

2.3. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian (Điều 7)

Điều luật này về cơ bản được giữ nguyên, chỉ bổ sung thêm một số điều cụ thể liên quan đến một số quy định mới của BLHS như: Điều luật hạn chế phạm vi áp dụng chế định loại trừ trách nhiệm hình sự thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật có hiệu lực thi hành (khoản 2) hoặc điều luật mở rộng phạm vi áp dụng chế định loại trừ trách nhiệm hình sự, tha tù trước thời hạn có điều kiện thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật có hiệu lực thi hành (khoản 3).

  1. Chương III: Tội phạm

3.1. Khái niệm tội phạm

“1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

  1. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.

Về cơ bản, khái niệm tội phạm v��n giữ tinh thần của BLHS năm 1999 và chỉ sửa đổi mang tính khái quát cao hơn về quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

Trong quá trình xây dựng điều luật này, cũng có một số ý kiến cho rằng chỉ cần quy định  “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS”. Tuy nhiên, nếu quy định như vậy thì vừa không rõ ràng, vừa không đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

3.2. Phân loại tội phạm (Điều 9)

Điều 9 được tách ra từ Điều 8 của BLHS 1999. Theo đó, tội phạm được phân loại trên cơ sở của tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Tội phạm vẫn được phân thành 4 loại là: tội phạm ít nghiêm trọng; tội phạm nghiêm trọng; tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Nếu hình phạt, loại hình phạt là tiêu chí để phân định loại tội phạm. Chẳng hạn ít nghiêm trọng thì mức hình phạt tù đến 03 năm, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ; đặc biệt nghiêm trọng thì mức hình phạt tù từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Điểm mới của điều luật này là quy định rõ tội nghiêm trọng là tội có mức cao nhất của khung hình phạt trong khoảng từ 03 năm đến 07 năm tù, tội rất nghiêm trọng có mức hình phạt cao nhất trong khoảng từ trên 07 năm đến 15 năm, tội có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 15 năm tù là tội đặc biệt nghiêm trọng.

3.3. Cố ý phạm tội (Điều 10) và vô ý phạm tội (Điều 11) được giữ nguyên, không có sửa đổi nào.

3.4. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12)

  1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm và Bộ luật này có quy định khác” BLHS 1999 chỉ quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm mà không có quy định loại trừ một số tội phạm mà đối tượng này không phải chịu trách nhiệm hình sự là một sai sót giữa quy định của Phần chung và Phần tội phạm của BLHS. Phần các tội phạm của BLHS có một số tội mà người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ: Tội giao cấu với người chưa thành niên; tội dâm ô với người chưa thành niên; tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp; tội mua dâm người chưa thành niên. (BLHS năm 2015 bổ sung thêm tội Khiêu dâm trẻ em cũng là tội mà người chưa thành niên không phải chịu trách nhiệm hình sự).

Để khắc phục sai sót này, Khoản 1 của Điều 12 đã bổ sung “trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác”.

BLHS năm 1999 quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Quy định này đã mở quá rộng phạm vi xử lý đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi, Khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 đã thu hẹp phạm vi xử lý hình sự với đối tượng này. Cụ thể:

  1. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:
  2. a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);
  3. b) Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
  4. c) Điều 248 (tội sản xuất trái phéo chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy);
  5. d) Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép);

đ) Điều 285 (tội sản xuất. mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);

  1. e) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).

Như vậy, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định cụ thể tại các điểm từ a đến e khoản 2 Điều 12 BLHS. Tuy nhiên, họ lại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản cho dù đó là tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Quy định này lại mở rộng phạm vi xử lý đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên đến dưới 16 tuổi”.

3.5. Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác (Điều 13)

Về cơ bản, tinh thần của điều luật này được kế thừa Điều 14 của BLHS 1999, chỉ bổ sung cho rõ “người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Quy định này không dùng từ “say” vì say tương đối trừu tượng.

3.6. Chuẩn bị phạm tội (Điều 14)

  1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này”.

Khái niệm về chuẩn bị phạm tội đã bổ sung hành vi “thành lập tham gia nhóm tội phạm, trừ quy định tại Điều 109” (tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân); điểm a khoản 2 Điều 113 “Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố” (tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân); điểm a khoản 2 Điều 299 “Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố” (tội khủng bố).

Khoản 2 của điều luật đã có sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội. Người chuẩn bị phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phạm một trong các tội quy định tại các điểm a, b, c d khoản 2 của Điều luật này. Cụ thể là các tội: Phản bội Tổ quốc, tội gián điệp, tội xâm phạm an ninh lãnh thổ, tội bạo loạn, tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tội làm tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tội phá rối an ninh, tội chống phá trại giam, tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội khủng bố, tội tài trợ khủng bố, tội bắt cóc con tin, tội cướp biển, tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, tội rửa tiền.

Khoản 3 của điều luật này quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nếu chuẩn bị phạm các tội giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, chỉ người nào chuẩn bị phạm các tội nêu trên (29 tội) thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự và chỉ có điều luật nào quy định một khung hình phạt riêng dành cho trường hợp chuẩn bị phạm tội thì mới được áp dụng.

3.7. Phạm tội chưa đạt (Điều 15) và Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Điều 16) được giữ nguyên

3.8. Đồng phạm (Điều 17)

Khái niệm về đồng phạm, về phạm tội có tổ chức không có gì mới so với quy định về đồng phạm tại Điều 20 BLHS năm 1999. Điều luật chỉ sửa đổi ở cách thiết kế khi đưa khái niệm phạm tội có tổ chức lên khoản 2 và đưa các khái niệm về những người đồng phạm xuống khoản 3. Điểm mới của điều luật này là đã bổ sung thêm khoản 4.

“4. Người đồng phạm không chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”. “Hành vi vượt quá” mà chúng ta vẫn thường gọi là hành vi thái quá nhưng đó phải là hành vi vượt quá của người thực hành, tức là hành vi của người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Ví dụ: những người đồng phạm chỉ thống nhất cùng đi trộm cắp tài sản, nhưng người trực tiếp thực hiện hành vi trộm cắp lại hiếp dâm người bị hại hoặc thực hiện hành vi phạm tội khác thì những người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi phạm tội đó của người thực hành.

3.9. Che giấu tội phạm (Điều 18)

Khái niệm về che giấu tội phạm không có gì mới, nhưng điều luật quy định theo hướng thu hẹp phạm vi xử lý hình sự đối với một số trường hợp quy định tại khoản 2:

  1. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 của Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”. (Điều 389 quy định tội che giấu tội phạm)

3.10. Không tố giác tội phạm

Khái niệm về không tố giác tội phạm không có gì mới, phạm vi xử lý hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm cũng không có gì mới. Người không tố giác của tội phạm quy định tại Điều 389 của BLHS 2015 đều phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điểm mới của điều luật này là việc quy định bổ sung tại khoản 3 “3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”.

  1. Chương IV: Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự

Đây là một chương mới của BLHS năm 2015, được xây dựng trên cơ sở của một số điều luật của BLHS năm 1999 về loại trừ trách nhiệm hình sự và có bổ sung một số quy định mới.

4.1. Sự kiện bất ngờ (Điều 20)

Tinh thần của điều luật này không có gì mới, nhưng thiết kế lại về kỹ thuật lập pháp cho gọn hơn.

“Điều 20: Sự kiện bất ngờ

Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”

4.2. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21)

“Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”

Quy định về bắt buộc chữa bệnh trong trường hợp này được chuyển về Điều 49 Bắt buộc chữa bệnh.

4.3. Phòng vệ chính đáng (Điều 22)

Khái niệm về phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng không có gì mới. Tuy nhiên khoản 1 của điều luật này có sửa về kỹ thuật khi đưa việc bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác lên trước lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức.

  1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

4.4. Tình thế cấp thiết (Điều 23)

  1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm. Cũng tương tự như Điều 22 về phòng vệ chính đáng, điều luật này chỉ sửa về kỹ thuật khi sắp xếp lại thứ tự ưu tiên bảo vệ của điều luật. Quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân đã được đặt trên việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức”

4.5. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 24)

Đây là một quy định mới về loại trừ trách nhiệm hình sự

Điều 24 BLHS năm 2015 quy định:

  1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm rội mà không cong cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm
  2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Quy định mới của điều luật này nhằm bảo vệ khuyến khích việc đấu tranh chống tội phạm. Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi này thì người sử dụng vũ lực để bắt giữ người chỉ không phạm tội nếu:

– Bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ. Nếu người bị bắt giữ chỉ thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà người bắt giữ đã sử dụng vũ lực là trái pháp luật, không phải là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự quy định tại điều này. Ví dụ như một người vi phạm luật giao thông đường bộ (vượt đèn đỏ) mà cảnh sát giao thông sử dụng vũ lực gây thiệt hại cho người vi phạm là không được loại trừ trách nhiệm hình sự. Tùy theo thiệt hại gây ra, người cảnh sát đó bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

– Việc sử dụng vũ lực phải cần thiết và không còn lựa chọn khác để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội. Nếu chưa đến mức cần thiết hoặc vượt quá mức cần thiết khi sử dụng vũ lực để bắt giữ người phạm tội cũng không được loại trừ trách nhiệm hình sự.

4.6. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ (Điều 25)

Đây là một điều luật mới nhằm khuyến khích, bảo vệ và thúc đẩy việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Điều 25 quy định:

“Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa, thì không phải là tội phạm.

Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Như vậy, việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới phải tuân thủ đúng, đầy đủ quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa mà vẫn gây ra thiệt hại, thì mới không phải là tội phạm. Điều này cũng có ý nghĩa là việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các hành vi tự nghiên cứu, tự áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ hoặc không thực hiện đúng quy trình, quy phạm, không áo dụng đúng và đầy đủ các biện pháp phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra mà gây thiệt hại, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ: một người tự mình nghiên cứu và chế tạo ra một loại thuốc chữa bệnh. Người này tự thử nghiệm cho người bệnh uống và gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người bệnh, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

4.7. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (Điều 26)

Đây là một quy định mới về lại trừ trách nhiệm hình sự

Điều 26 quy định: “Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh, nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Quy định này không áp dụng đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này (Đó là những trường hợp phạm tội do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên trong các tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, tội chống loài người và tội phạm chiến tranh).

Loại trừ trách nhiệm hình sự của người phải thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên chỉ trong phạm vi của lực lượng vũ trang nhân dân (Quân đội nhân dân và Công an nhân dân) và chỉ trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Điều luật này không điều chỉnh đối với các lĩnh vực khác mặc dù trong thực tiễn có thể xảy ra việc chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên gây thiệt hại.

Người thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên chỉ không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo với người ra mệnh lệnh nhưng không được chấp nhận và vẫn phải thực hiện mệnh lệnh không đúng đó, gây thiệt hại.

Để đề cao trách nhiệm của người chỉ huy hoặc cấp trên khi ra mệnh lệnh, điều luật quy định trách nhiệm hình sự của người ra mệnh lệnh gây thiệt hại. Điều luật không quy định thiệt hại ở mức độ nào thì người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự mà cứ gây ra thiệt hại là phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này có phần quá khắt khe và không thực tế khi thiệt hại xảy ra không lớn, thậm chí không đáng kể. Chúng tôi cho rằng chỉ nên xử lý trách nhiệm của người ra mệnh lệnh không đúng nếu gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc thiệt hại lớn (có thể thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất).

Nguyễn Quang Lộc – Thành viên Tổ chuyên gia xây dựng BLHS 2015 – Theo website: toaan.gov.vn

(còn tiếp)

.

Sản Phẩm Liên Quan