Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đảm bảo nhiều quyền lợi cho người kháng cáo

11:26:33    2016-09-29

Đó là những điểm mới cơ bản mang lại nhiều lợi ích và quyền cho người kháng cáo được bổ sung trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tại quy định về thủ tục kháng cáo.

Kháng cáo là một chế định quan trọng của pháp luật tố tụng hình sự, thể hiện quyền năng tố tụng của bị cáo, người bị hại, những người tham gia tố tụng khác phản đối đối với bản án, hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án với hình thức, thủ tục và thực hiện trong thời hạn luật định.

Trước đây, trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và năm 2003, những quy định về quyền kháng cáo đã được ghi nhận, kế thừa, sửa đổi, bổ sung, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người thực hiện quyền kháng cáo, đảm bảo tính hợp pháp, tính có căn cứ của bản án, quyết định của Tòa án, đáp ứng các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, đảm bảo công bằng xã hội, cũng như củng cố lòng tin của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án. Tuy nhiên, những quy định đó vẫn còn chung chung, làm cho trong một số trường hợp hiệu quả của việc thực hiện quyền kháng cáo chưa cao, ảnh hưởng đến tính hợp pháp, tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.

Khắc phục hạn chế này, BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung các quy định về kháng cáo một cách rõ ràng, mạch lạc, cụ thể, trong đó đáng chú ý là quy định về thủ tục kháng cáo.

“Thủ tục kháng cáo” được quy định tại Điều 332 BLTTHS năm 2015, với kết cấu thành 03 khoản, tăng thêm 01 khoản so với BLTTHS năm 2003. Theo đó, thủ tục kháng cáo được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 332 như sau:

– Người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.

– Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo.

– Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

– Tòa án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung.

Như vậy, so với quy định tại Điều 233 BLTTHS năm 2003 thì quy định tại khoản 1 Điều 332 BLTTHS năm 2015 nói trên đã sửa đổi, bổ sung quy định rõ trách nhiệm không những của Giám thị Trại tạm giam mà cả Trưởng Nhà tạm giữ nơi đang giam, giữ bị cáo phải “nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo”.

Một điểm đáng chú ý là BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định người kháng cáo ngoài việc có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì họ còn có thể trình bày trực tiếp với “Tòa án cấp phúc thẩm” về việc kháng cáo và“Tòa án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung”.

Bên cạnh đó, Điều 332 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm khoản 2 quy định về nội dung đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau:

– Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;

– Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo;

– Lý do và yêu cầu của người kháng cáo;

– Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.

Đồng thời, Điều 332 BLTTHS năm 2015 cũng đã bổ sung thêm khoản 3 quy định về việc trình bày trực tiếp kèm theo đơn kháng cáo là những chứng cứ, tài liệu bổ sung… để chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo: “Kèm theo đơn kháng cáo hoặc cùng với việc trình bày trực tiếp là chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) để chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo”.

Với những quy định mới trên đây đã giúp cho người kháng cáo có nhiều quyền lợi hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình trước pháp luật. Dưới đây là bảng so sánh quy định của BLTTHS về thủ tục kháng cáo.

Tải văn bản pháp luật tại đây:

BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ_101_2015_QH13_296884 

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH HỮU NGHỊ

Số 38 Kim Mã Thượng, Cống Vị, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Điện thoại yêu cầu dịch vụ tư vấn luật doanh nghiệp, gọi: 0945 865 586

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email:  luatsuhuunghi@gmail.com

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./. .

Sản Phẩm Liên Quan