13:39:00 2016-07-28
So với quy định tại Điều 190 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Điều 244 BLHS năm 2015 được nhà làm luật quy định theo hướng chi tiết hơn, rõ ràng hơn trên cơ sở lượng hóa cụ thể các tình tiết định khung, tạo thuận lợi cho việc điều tra, truy tố, xét xử được chính xác hơn.
Các tình tiết định khung được lượng hóa, như: Số lượng cá thể hoặc sản phẩm của loài động vật; bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loài của động vật; giá trị tang vật vi phạm,…Được nhà làm luật bổ sung từ các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực này, mà quá trình áp dụng trong thực tiễn thời gian qua vẫn còn phù hợp, có tác dụng tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này, đó là: Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (gọi tắt Nghị định 32/2006/NĐ-CP); Thông tư liên tịch số19/2007/TTLT-BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (gọi tắt Thông tư liên tịch 19/2007/TTLT) và Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (gọi tắt Nghị định 160/2006/NĐ-CP).
Tuy nhiên, qua nghiên cứu các quy định tại Điều 244 BLHS năm 2015, người viết thấy rằng một số quy định tại các khoản của Điều luật này về ngữ nghĩa, ngữ cảnh dễ gây lung túng khi áp dụng và có thể bỏ sót tình tiết định khung tăng nặng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một số vấn đề bất cập vừa nêu đối với tội danh quy định tại Điều 244 BLHS năm 2015.
Thứ nhất, cụm từ “buôn bán trái phép” với ý nghĩa là hành vi khách quan mà người phạm tội thực hiện tội phạm tại Điều 244 BLHS năm 2015, qua thống kê nhà làm luật đã sử dụng đến 07 lần. Riêng tại khoản 1 xuất hiện 06 lần cụm từ “buôn bán trái phép” từ điểm a đến điểm đ thuộc khoản 1 Điều này. Vấn đề đặt ra đối tượng bị buôn bán trái phép được quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015 khác nhau như thế nào, để khi áp dụng không bị nhầm lẫn?
Trước hết, theo quy định tại khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015: Người nào vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì …
a). … buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
b). … buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể….
c). … buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế…
d). … buôn bán trái phép từ 03 đến 07 bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật lớp thú,…
đ). … buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của các động vật có số lượng dưới mức tối thiểu của các điểm b, c và d khoản này…
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định 160/2013/NĐ-CP, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được quy định tại Phụ lục I[1] Nghị định này. Như vậy, cấu thành cơ bản theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015 đòi hỏi, chỉ cần người bị buộc tội thực hiện hành vi khách quan, như: Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép bất kỳ động vật nào thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, như Phụ lục I đã liệt kê là coi như tội phạm đã hoàn thành.
Tuy nhiên, tại điểm b khoản 1 của Điều này lại tiếp tục quy định buôn bán trái phép cá thể…loài động vật. Quy định này liệu có trùng lắp với quy định tại điểm a khoản 1 vừa nêu không? Theo Từ điển Tiếng Việt, nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, năm 1988, tại trang 97 có giải thích sau về cá thể: Vật riêng lẻ, phân biệt với chủng loại. Với cách giải thích này, có thể hiểu cá thể voi; cá thể Nai cà tong; cá thể Gà lôi tía;…là loài động vật được xếp vào dạng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Nếu hiểu như vậy, thì quy định “buôn bán trái phép cá thể…loài động vật” tại điểm b có khác gì quy định “buôn bán trái phép động vật”, tại điểm a đều thuộc khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015? Theo quan điểm của tác giả, rõ ràng là không có gì khác nhau về ngữ nghĩa cũng như ngữ cảnh của các điểm thuộc khoản 1 vừa liệt kê. Do vậy, để tránh việc lung túng, nhầm lẫn khi áp dụng, tác giả đề xuất nên bỏ quy định “cá thể” tại điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015. Mà theo đó, sau khi sửa đổi, điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015 được viết lại, như sau:
Điều… Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
1. …
a). …
b). Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật quy định tại điểm a khoản này; ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 0,05 kilôgam đến dưới 01 kilôgam;
Hai là, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015 có thể được hiểu: Nghiêm cấm hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Phụ lục I) – Ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP với số lượng từ …
Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ – Ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, mà theo đó, có 03 Lớp; 19 Bộ và 32 Họ.
Riêng về Phụ lục I của Công ước Quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã, ký tại Washington D.C ngày 01/3/1973 (Conversion on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora – gọi tắt Công ước CITES), có tới 19 Bộ mà trong đó có nhiều Họ không có ở Việt Nam.
Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Nhóm IB) – Ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/2006/NĐ-CP chỉ có 03 Lớp và 12 Bộ.
Nếu so sánh về thứ tự và số lượng của Lớp, Bộ, Họ trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP với Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP thì số lượng Lớp bằng nhau; số Bộ được liệt kê tại Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 36/2006/NĐ-CP ít hơn đến 17 Lớp so với Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP. Điểm khác biệt giữa Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP với Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP, đó là, nếu như theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP, chỉ phân chia đến Bộ, ví dụ: Bộ thú ăn thịt (carnivore), có: Sói đỏ (Chó sói lửa – Cuon alpines); Gấu chó (Ursur (Helarctos) malayanus;…thì Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP phân chia đến Họ, ví dụ: Bộ thú ăn thịt (carnivore), Họ Chó (Canidae): Sói đỏ (Chó sói lửa – Cuon alpines); Họ Gấu (Ursidae ): Gấu chó (Ursur (Helarctos) malayanus);…
Qua so sánh, đối chiếu giữa Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB – Ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP với Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ – Ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP, có thể thấy, Nhóm IB không quy định cá thể rắn hổ chúa (tên khoa học là Ophiophagus hannah) là loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, nhưng trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP lại có đề cập và nhiều trường hợp khác nữa, mà theo đó, Danh mục liệt kê loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ – Ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP là “tập hợp con” nằm trong Danh mục liệt kê ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP. Hơn nữa, tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 160/2013/NĐ-CP có quy định:“Chế độ quản lý đối với loài thuộc Danh mục động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được xác định là loài ưu tiên bảo vệ được áp dụng theo quy định tại Nghị định này”. Nghĩa là, trường hợp một loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB, ban hành kèm theo quy định của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, đồng thời cũng thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP thì ưu tiên áp dụng quy định Nghị định số 160/2013/NĐ-CP. Bởi trên thực tế Danh mục động vật thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm đều năm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, được ưu tiên bảo vệ.
Như vậy, thiết nghĩ với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015 về hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB với số lượng từ 03 đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác là mâu thuẫn, vừa trùng lắp so với điểm a khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015. Do đó, khắc phục điểm hạn chế này, tác giả đề xuất có thể loại bỏ cụm từ quy định “động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB” ra khỏi điểm c khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015. Như vậy sẽ hợp lý hơn, vì thực tế có nhiều loài động vật theo Phụ lục I của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp không sinh sống và phát triển ở Việt Nam, nhưng tội phạm vẫn có thể xảy ra tại Việt Nam với đối tượng được liệt kê theo Phụ lục I của Công ước. Điểm c khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015, sau khi được sửa đổi, được viết lại, như sau:
c). Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép loài động vật thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác;
Ba là, theo điểm c Điều 1 của Công ước CITES: “Buôn bán nghĩa là xuất khẩu, tái xuất khẩu, nhập khẩu và nhập nội từ biển.”. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các điều khoản quy định tại Điều 244 BLHS năm 2015, cho thấy chưa có sự thống nhất về sử dụng thuật ngữ, cụ thể, đi liền phía sau cụm từ mô tả hành vi khách quan tội phạm “buôn bán” là tính từ “trái phép”, được diễn đạt ở hầu hết các điểm của khoản 1 Điều luật này, mà theo đó, hành vi buôn bán loài động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loài của động vật,…đều là trái pháp luật, bất kể với lý do gì. Nhưng tại điểm đ khoản 2 của Điều luật này, chỉ quy định “Buôn bán, vận chuyển qua biên giới”. Quy định này rõ ràng là thiếu chặt chẽ, dễ gây hiểu nhầm pháp luật chỉ nghiêm cấm và bị xử lý bằng pháp luật hình sự với người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi buôn bán, vận chuyển qua biên giới Việt Nam loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước CITES, còn nếu như cũng với hành vi đó, nhưng địa điểm thực hiện tội phạm trong lãnh thổ Việt Nam thì không bị xử lý bằng pháp luật hình sự. Đó là chưa kể đến trường hợp đối tượng tác động của tội phạm quy định tại Điều 244 BLHS năm 2015, được người thực hiện tội phạm đưa từ khu vực phi thuế quan vào nội địa và ngược lại thì xử lý như thế nào? Mặt khác, cũng có thể có trường hợp, công dân của quốc gia nào đó, mà quốc gia đó chưa quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, khi sang Việt Nam họ mang theo ngà voi, sừng tê giác,…với số lượng lớn, thì liệu rằng cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam có thể truy cứu trách nhiệm hình sự họ được không, khi mà theo pháp luật của nhà nước mà họ mang quốc tịch là hợp pháp? Do vậy, để thống nhất thuật ngữ sử dụng với ý nghĩa là Nhà nước luôn nghiêm cấm triệt để hành vi buôn bán, vận chuyển loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, kể cả loài động vật thuộc Phụ lục I của Công ước CITES, tác giả đề xuất bổ sung thêm cụm từ “trái phép” vào điểm đ khoản 2 Điều 244 BLHS năm 2015. Mà theo đó, sau khi bổ sung, điểm đ khoản 2 Điều luật này, được viết lại, như sau:
đ). Buôn bán, vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trái quy định của pháp luật;
Bốn là, nghiên cứu quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015, có thể hiểu: Người thực hiện hành vi, như: Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của các động vật mà có số lượng dưới mức tối thiểu quy định tại các điểm b, c và d khoản này, nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Tuy nhiên về bản chất không phải là thế, mà thật ra, do cách diễn đạt nên đã viết không đúng ý tưởng của nhà làm luật. Nghĩa là, nhà làm luật muốn quy định với hành vi khách quan của người thực hiện tội phạm, như: Săn bắt, giết,…buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của các động vật, tuy có số lượng dưới mức tối thiểu quy định thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm b đến điểm d khoản này, mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì cũng thuộc trường hợp phạm tội thuộc khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015.
Thứ hai: Nghiên cứu nhiều điều luật khác được quy định trong BLHS năm 2015, kỹ thuật lập pháp phản ánh về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, được thiết kế theo xu hướng chung đi từ cấu thành cơ bản đến cấu thành tăng nặng; từ cấu thành tăng nặng vừa đến cấu thành tăng nặng có tính chất nặng hơn và đặc biệt nặng, và cũng theo chiều hướng đó mà tình tiết phản ánh về nhân thân của người phạm tội cũng được sắp xếp theo trật tự nhất định. Nhưng tại khoản 2 Điều 244 BLHS năm 2015 lại xuất hiện một cách đột ngột tình tiết “tái phạm nguy hiểm” quy định tại điểm i, theo quan điểm của tác giả, sẽ là hợp lý hơn, nếu như đó là tình tiết “tái phạm”. Bởi theo quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm tại Điều 53 BLHS năm 2015, như sau:
“1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.”
Với quy định này, rõ ràng tái phạm là nhẹ hơn so với tái phạm nguy hiểm. Trong khi đó, tại khoản 3 Điều 244 BLHS năm 2015 với ý nghĩa là cấu thành tăng nặng hơn so với khoản 2, nhưng lại không được quy định tình tiết “tái phạm nguy hiểm”, theo đúng lôgic của nó, bởi vì trước đó tình tiết này đã được quy định tại khoản 2. Do vậy, xét về mặt lôgic là chưa hợp lý. Nhận xét này có thể chứng minh bằng trường hợp cụ thể sau: A bị TAND huyện X, xét xử về tội phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015 và tuyên phạt 03 năm tù. Sau khi ra tù, tuy chưa được xóa án tích theo quy định của pháp luật, nhưng A lại móc nối với B tiếp tục phạm tội và bị truy tố, xét xử theo điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015. Do tại khoản 2 Điều 244 BLHS năm 2015 không quy định tình tiết tăng nặng định khung phản ánh nhân thân của bị cáo A “tái phạm”, nên TAND huyện H cũng chỉ tuyên phạt A với mức án 03 năm tù. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 9 BLHS năm 2015, tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 244 là tội phạm nghiêm trọng; tội phạm theo khoản 2 Điều 244 là tội phạm rất nghiêm trọng, nên việc nhà làm luật bổ sung tình tiết “tái phạm”; “tái phạm nguy hiểm” vào các khoản tương ứng của Điều 244 BLHS năm 2015 là hợp lý và thật sự cần thiết.
Mặt khác, qua nghiên cứu tác giả thấy rằng dù các cơ quan truyền thông rất tích cực trong hoạt động tuyên truyền, nhưng do nhận thức nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã quý, hiếm làm thực phẩm, làm thuốc, làm đồ trang sức ngày càng gia tăng và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, kéo theo đó là nạn săn, bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ với những thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp, …Do vậy, cũng nên bổ sung thêm tình tiết có tính chất tăng nặng định khung “Phạm tội từ 02 lần trở lên” đối với loại tội phạm này.
Từ những suy nghĩ trên, tác giả đề xuất sửa đổi bổ sung tình tiết tăng nặng định khung “tái phạm”; “Phạm tội từ 02 lần trở lên” và “tái phạm nguy hiểm” tại khoản 2 và khoản 3 Điều 244 BLHS năm 2015. Mà theo đó, sau khi sửa đổi, bổ sung các điểm i, k, l khoản 2; khoản 3 bổ sung mới tình tiết “Tái phạm nguy hiểm”, sẽ được viết lại như sau:
2. …
i). Tái phạm;
k). Phạm tội từ 02 lần trở lên;
3. …
a)…
d). Tái phạm nguy hiểm.”
Kiến nghị: Từ những phân tích trên, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 244 BLHS năm 2015, mà theo đó, sau khi sửa đổi, bổ sung Điều 244 BLHD năm 2015, được viết lại như sau:
“Điều 244. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
“1. Người nào vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật quy định tại điểm a khoản này; ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 0,05 kilôgam đến dưới 01 kilôgam;
c) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác;
d) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép từ 03 đến 07 bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật lớp thú, của 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác thuộc loài động vật quy định tại điểm c khoản này;
đ) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của các động vật có số lượng dưới mức tối thiểu thuộc một trong những trường hợp quy định từ điểm b đến điểm d khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
đ) Buôn bán, vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trái quy định của pháp luật;;
e) Số lượng động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 07 đến 10 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, lớp bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể lớp khác thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
g) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 08 đến 11 cá thể thuộc lớp thú, từ 11 đến 15 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 16 đến 20 cá thể động vật thuộc các lớp khác;
h) Từ 01 đến 02 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại; từ 03 đến 05 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại; ngà voi có khối lượng từ 20 kilôgam đến dưới 90 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 09 kilôgam;
i) Tái phạm;
k) Phạm tội từ 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Số lượng động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể lớp chim, lớp bò sát trở lên hoặc 16 cá thể lớp khác trở lên thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của 12 cá thể lớp thú trở lên, 16 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 21 cá thể động vật trở lên thuộc các lớp khác;
c) Từ 03 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại trở lên; 06 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại trở lên; ngà voi có khối lượng 90 kilôgam trở lên; sừng tê giác có khối lượng 09 kilôgam trở lên.
d) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
Trên đây là những góp ý của tác giả qua nghiên cứu quy định tại Điều 244 BLHS năm 2015 và những đề xuất việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Điều luật này cho phù hợp hơn với thực tiễn. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi Quí bạn đọc.
Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
STT | Tên Việt Nam | Tên khoa học |
LỚP THÚ | MAMMALIA | |
BỘ CÁNH DA | DERMOPTERA | |
Họ Chồn dơi | Cynocephalidae | |
1 | Chồn bay (Cầy bay) | Cynocephalus variegatus |
BỘ LINH TRƯỞNG | PRIMATES | |
Họ Cu li | Loricedea | |
2 | Cu li lớn | Nycticebus bengalensis |
3 | Cu li nhỏ | Nycticebus pygmaeus |
Họ Khỉ | Cercopithecidae | |
4 | Voọc bạc đông dương | Trachypithecus villosus |
5 | Voọc cát bà (Voọc đen đầu vàng) | Trachypithecus poliocephalus |
6 | Voọc chà vá chân đen | Pygathrix nigripes |
7 | Voọc chà vá chân đỏ (Voọc chà vá chân nâu) | Pygathrix nemaeus |
8 | Voọc chà vá chân xám | Pygathrix cinerea |
9 | Voọc đen hà tĩnh (Voọc gáy trắng) | Trachypithecus hatinhensis |
10 | Voọc đen má trắng | Trachypithecus francoisi |
11 | Voọc mông trắng | Trachypithecus delacouri |
12 | Voọc mũi hếch | Rhinopithecus avunculus |
13 | Voọc xám | Trachypithecus (phayrei) barbei |
Họ Vượn | Hylobatidae | |
14 | Vượn đen má hung (Vượn đen má vàng) | Nomascus gabriellae |
15 | Vượn đen má trắng | Nomascus leucogenys |
16 | Vượn đen tuyền đông bắc (Vượn cao vít) | Nomascus nasutus |
17 | Vượn đen tuyền tây bắc | Nomascus concolor |
BỘ THÚ ĂN THỊT | CARNIVORA | |
Họ Chó | Canidae | |
18 | Sói đỏ (Chó sói lửa) | Cuon alpinus |
Họ Gấu | Ursidae | |
19 | Gấu chó | Helarctos malayanus |
20 | Gấu ngựa | Ursus thibetanus |
Họ Chồn | Mustelidae | |
21 | Rái cá lông mũi | Lutra sumatrana |
22 | Rái cá lông mượt | Lutrogale perspicillata |
23 | Rái cá thường | Lutra lutra |
24 | Rái cá vuốt bé | Aonyx cinerea |
Họ Cầy | Viverridae | |
25 | Cầy mực (Cầy đen) | Arctictis binturong |
Họ Mèo | Felidae | |
26 | Báo gấm | Neofelis nebulosa |
27 | Báo hoa mai | Panthera pardus |
28 | Báo lửa (Beo lửa, Beo vàng) | Catopuma temminckii |
29 | Hổ | Panthera tigris |
30 | Mèo cá | Prionailurus viverrinus |
31 | Mèo gấm | Pardofelis marmorata |
BỘ CÓ VÒI | PROBOSCIDEA | |
Họ Voi | Elephantidae | |
32 | Voi | Elephas maximus |
BỘ MÓNG GUỐC NGÓN LẺ | PERISSODACTYLA | |
Họ Tê giác | Rhinocerotidae | |
33 | Tê giác một sừng | Rhinoceros sondaicus |
BỘ MÓNG GUỐC NGÓN CHẴN | ARTIODACTYLA | |
Họ Hươu nai | Cervidae | |
34 | Hươu vàng | Axis porcinus |
35 | Hươu xạ | Moschus berezovskii |
36 | Mang lớn | Muntiacus vuquangensis |
37 | Mang trường sơn | Muntiacus truongsonensis |
38 | Nai cà tong | Rucervus eldii |
Họ Trâu bò | Bovidae | |
39 | Bò rừng | Bos javanicus |
40 | Bò tót | Bos gaurus |
41 | Bò xám | Bos sauveli |
42 | Sao la | Pseudoryx nghetinhensis |
43 | Sơn dương | Naemorhedus sumatraensis |
44 | Trâu rừng | Bubalus arnee |
BỘ TÊ TÊ | PHOLIDOTA | |
Họ Tê tê | Manidae | |
45 | Tê tê java | Manis javanica |
46 | Tê tê vàng | Manis pentadactyla |
BỘ THỎ | LAGOMORPHA | |
Họ Thỏ rừng | Leporidae | |
47 | Thỏ vằn | Nesolagus timminsi |
BỘ CÁ VOI | CETACEA | |
Họ Cá heo | Delphinidae | |
48 | Cá heo trắng trung hoa | Sousa chinensis |
BỘ HẢI NGƯU | SIRENIA | |
Họ Cá cúi | Dugongidae | |
49 | Bò biển | Dugong dugon |
LỚP CHIM | AVES | |
BỘ BỒ NÔNG | PELECANIFORMES | |
Họ Bồ nông | Pelecanidae | |
50 | Bồ nông chân xám | Pelecanus philippensis |
Họ Cổ rắn | Anhingidae | |
51 | Cổ rắn (Điêng điểng) | Anhinga melanogaster |
BỘ HẠC | CICONIIFORMES | |
Họ Diệc | Ardeidae | |
52 | Cò trắng trung quốc | Egretta eulophotes |
53 | Vạc hoa | Gorsachius magnificus |
Họ Hạc | Ciconiidae | |
54 | Già đẫy nhỏ | Leptoptilos javanicus |
55 | Hạc cổ trắng | Ciconia episcopus |
Họ Cò quắm | Threskiornithidae | |
56 | Cò mỏ thìa | Platalea minor |
57 | Quắm cánh xanh (Cò quắm cánh xanh) | Pseudibis davisoni |
58 | Quắm lớn (Cò quắm lớn) | Pseudibis gigantea |
BỘ NGỖNG | ANSERIFORMES | |
Họ Vịt | Anatidae | |
59 | Ngan cánh trắng | Cairina scutulata |
BỘ GÀ | GALLIFORMES | |
Họ Trĩ | Phasianidae | |
60 | Gà so cổ hung | Arborophila davidi |
61 | Gà lôi lam mào trắng | Lophura edwarsi |
62 | Gà lôi tía | Tragopan temminckii |
63 | Gà tiền mặt đỏ | Polyplectron germaini |
64 | Gà tiền mặt vàng | Polyplectron bicalcaratum |
BỘ SẾU | GRUIFORMES | |
Họ Sếu | Gruidae | |
65 | Sếu đầu đỏ (Sếu cổ trụi) | Grus antigone |
Họ Ô tác | Otidae | |
66 | Ô tác | Houbaropsis bengalensis |
BỘ SẢ | CORACIIFORMES | |
Họ Hồng hoàng | Bucerotidae | |
67 | Niệc nâu | Anorrhinus tickelli |
68 | Niệc cổ hung | Aceros nipalensis |
69 | Niệc mỏ vằn | Aceros undulatus |
70 | Hồng hoàng | Buceros bocornis |
BỘ SẺ | PASSERIFORMES | |
Họ Khướu | Timaliidae | |
71 | Khướu ngọc linh | Garrulax ngoclinhensis |
LỚP BÒ SÁT | REPTILIA | |
BỘ CÓ VẢY | SQUAMATA | |
Họ Rắn hổ | Elapidae | |
73 | Rắn hổ chúa | Ophiophagus hannah |
BỘ RÙA BIỂN | TESTUDINES | |
Họ Rùa da | Dermochelyidae | |
74 | Rùa da | Dermochelys coriacea |
Họ Vích | Cheloniidae | |
75 | Đồi mồi | Eretmochelys imbricata |
76 | Đồi mồi dứa | Lepidochelys olivacea |
77 | Rùa biển đầu to (Quản đồng) | Caretta caretta |
78 | Vích | Chelonia mydas |
Họ Rùa đầm | Emydidae | |
79 | Rùa hộp ba vạch (Rùa vàng) | Cuora trifasciata |
80 | Rùa hộp trán vàng miền bắc | Cuora galbinifrons |
81 | Rùa trung bộ | Mauremys annamensis |
Họ Ba ba | Trionychidae | |
82 | Giải sin-hoe (Giải thượng hải) | Rafetus swinhoei |
83 | Giải khổng lồ | Pelochelys cantorii |
ThS.LS Lê Văn Sua – Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH HỮU NGHỊ
Số 38 Kim Mã Thượng, Cống Vị, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Điện thoại yêu cầu dịch vụ tư vấn luật doanh nghiệp, gọi: 0945 865 586
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: luatsuhuunghi@gmail.com
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
.