08:33:35 2016-11-14
Câu hỏi: Chú tôi mua đất làm nhà rồi lấy thím tôi. Chú thím tôi sinh được 2 người con gái. Sau đó chú tôi bị bệnh rồi mất không để lại di chúc gì. Hiện nay thím tôi lại có con ngoài giá thú với người đàn ông khác, các em tôi còn nhỏ.
Đất và nhà chú tôi để lại chưa được cấp sổ đỏ nhưng đã có sơ đồ thửa đất mang tên chú. Hiện nay thím tôi đã đề nghị cấp sổ mới mang tên thím. Vậy tôi hỏi 2 em tôi sau này lớn nên nếu đi lấy chồng rồi nhưng thím tôi lại để lại nhà và đất cho đứa em trai ngoài giá thú thì 2 em tôi có được đòi hỏi quyền lợi gì từ mảnh đất và ngôi nhà do bố chúng để lại không?
Luật sư trả lời:
Theo như bạn trình bày thì nhà đất là của chú bạn mua trước khi cưới thím bạn, như vậy theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình thì tài sản được hình thành trước thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của chú bạn. Trừ trường hợp trong quá trình chung sống chú bạn có nhập khối tài sản riêng này vào khối tài sản chung của hai vợ chồng. Trong trường hợp chú bạn không nhập tài sản vào tài sản chung của hai vợ chồng thì đó vẫn là tài sản riêng của chú bạn.
Việc thím bạn đề nghị cấp sổ đổ mang tên thím bạn là sai quy định của pháp luật vì đây là tài sản riêng của chú bạn. Do đây là tài sản riêng của chú bạn để lại, sau khi chết không để lại di chúc thì được chia thừa kế theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về những người được hưởng quyền thừa kế theo pháp luật như sau:
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau
Như vậy trường hợp nhà đất của chú bạn để lại sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất gồm thím bạn và 2 em bạn, con nuôi (nếu có), cha mẹ đẻ (nếu còn sống) mỗi người sẽ được hưởng các phần bằng nhau.
Vậy thím bạn chỉ được làm sổ đỏ trên phần nhà đất của thím bạn được hưởng thừa kế chứ không được làm sổ đỏ các phần còn lại của người khác. Nếu 2 em bạn dưới 15 tuổi thì thím bạn có quyền quản lý cả phần thừa kế của 2 cháu bạn nhưng việc quản lý phải nhằm mục đích bảo đảm quyền lợi cho 2 người con, người thím không có quyền tự ý chuyển nhượng hoặc tặng cho người khác.
Tải văn bản pháp luật tại đây: bo-luat-dan-su-2005
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH HỮU NGHỊ
Số 38 Kim Mã Thượng, Cống Vị, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Điện thoại yêu cầu dịch vụ tư vấn luật doanh nghiệp, gọi: 0945 865 586
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: luatsuhuunghi@gmail.com
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./. .