Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật Trọng tài thương mại

Theo quy định của Luật TTTM (Điều 48) thì các bên trong quan hệ pháp luật đang có tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT). Việc yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT không bị coi là sự bác bỏ thỏa thuận trọng tài hoặc khước từ quyền giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

  1. Các BPKCTT được quy định của Luật TTTM và việc Hội đồng trọng tài áp dụng, thay đổi, hủy bỏ áp dụng BPKCTT theo quy định của Luật TTTM

Nếu như trong tố tụng dân sự chỉ có Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền áp dụng BPKCTT thì trong tố tụng trọng tài, Hội đồng trọng tài và Tòa án đều có quyền áp dụng BPKCTT khi tố tụng trọng tài bắt đầu diễn ra. Nói cách khác, khi trọng tài đã nhận đơn khởi kiện thì đương sự có quyền yêu cầu trọng tài hoặc Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Do Tòa án và Hội đồng trọng tài đều có quyền áp dụng BPKCTT, nên có thể có trường hợp đương sự yêu cầu cả hai cơ quan tài phán áp dụng BPKCTT. Để tránh việc cả Tòa án và Hội đồng trọng tài đều ra quyết định áp dụng BPKCTT về cùng một biện pháp khẩn cấp tạm thời, khi nhận được đơn yêu cầu của đương sự, Tòa án, Hội đồng trọng tài đều phải có sự kiểm tra xem xét kỹ trước khi ra quyết định áp dụng.

  1. Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng BPKCTT

1.1. Các BPKCTT được quy định trong Luật TTTM (khoản 2 Điều 49 Luật TTTM)

Việc áp dụng BPKCTT có thể nhằm đáp ứng một hay một số yêu cầu cấp bách của đương sự trong vụ tranh chấp, hoặc để bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tài sản đang tranh chấp, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc để bảo đảm thi hành án… Luật TTTM đã quy định 06 BPKCTT mà Hội đồng trọng tài có quyền trực tiếp áp dụng khi một trong các bên tranh chấp có yêu cầu.

Gọi là BPKCTT bởi lẽ nó đòi hỏi phải được xử lý rất nhanh, thi hành ngay không có kháng cáo, kháng nghị. Dù vậy, nó không phải là quyết định cuối cùng về giải quyết quan hệ đang có tranh chấp, nó chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định và nó có thể bị thay đổi, hủy bỏ với một thủ tục đơn giản, nhanh gọn trước, trong khi diễn ra việc xét xử hoặc sau khi Hội đồng trọng tài đã xét xử.

Việc áp dụng BPKCTT có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ kịp thời các quyền và lợi ích hợp pháp và nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo toàn được tài sản tranh chấp hoặc bảo vệ được chứng cứ… Đây là một quyền rất quan trọng trong tố tụng trọng tài của đương sự mà Hội đồng trọng tài phải xem xét, quyết định áp dụng khi đương sự có yêu cầu và xuất trình được chứng cứ chứng minh việc áp dụng BPKCTT là có cơ sở và cần thiết.

Dưới đây là 06 BPKCTT được quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật TTTM:

1.1.1. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp

Trong quá trình giải quyết việc tranh chấp, Hội đồng trọng tài, có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp này khi hội tụ đầy đủ các điều kiện: (1) đối tượng mà đương sự yêu cầu áp dụng BPKCTTphải là tài sản đang có tranh chấp; (2) người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản hoặc người khác đang có hành vi làm thay đổi hiện trạng của tài sản như phá hủy, tháo dỡ, lắp ghép xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản; (3) người yêu cầu áp dụng BPKCTT đã thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính.

Đương sự yêu cầu áp dụng BPKCTT này phải đưa ra tài liệu, chứng cứ chứng minh bên đang chiếm hữu, giữ tài sản đang có hành vi làm thay đổi hiện trạng tài sản. Hội đồng trọng tài hoặc Thẩm phán phải xem xét các yêu cầu, các căn cứ mà đương sự đã đưa ra để quyết định có áp dụng biện pháp khẩn cấp đó hay không.

1.1.2. Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài

Trong quá trình trọng tài giải quyết tranh chấp, nếu thấy đương sự nào đó đang có hành vi (hành động hoặc không hành động) mà hành vi đó sẽ có tác động gây bất lợi cho quá trình tố tụng thì đương sự bên kia có quyền yêu cầu trọng tài hoặc Tòa án áp dụng biện pháp cấm hoặc buộc bên tranh chấp thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định. Khi có đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp này, nếu thấy yêu cầu đó là chính đáng và đương sự đã xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp này thì trọng tài hoặc Tòa án phải áp dụng ngay.

1.1.3. Kê biên tài sản đang tranh chấp

Kê biên tài sản chỉ áp dụng cho trường hợp người chiếm giữ tài sản đang có tranh chấp có hành vi tẩu tán, cất giấu tài sản đang có tranh chấp gây khó khăn trong việc xem xét, giải quyết của Hội đồng trọng tài hoặc thi hành án sau này, thì theo yêu cầu của một trong các bên đương sự Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp này.

Tài sản kê biên có thể thu giữ bảo quản tại cơ quan thi hành án hoặc lập biên bản giao cho một bên đương sự hoặc người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án. Khi lập biên bản kê biên phải ghi rõ ngày, giờ, loại tài sản, mô tả đầy đủ, chính xác tình trạng tài sản . Nếu cơ quan, người thứ ba được giao quản lý tài sản kê biên có thể được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật.

1.1.4. Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp

Có những tài sản đang tranh chấp hoặc có liên quan đến tranh chấp, nếu không xử lý kịp thời sẽ làm hư hỏng, mất giá trị, giảm giá trị hoặc làm biến dạng tài sản, thì theo yêu cầu của một trong các bên tranh chấp có thể áp dụng BPKCTT “bảo tồn, cất giữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp” thì Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án sẽ áp dụng biện pháp này khi các bên đương sự đã đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp này.

1.1.5. Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên

Để kịp thời xử lý những nhu cầu cấp bách của đương sự, dù hai bên còn đang có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, về hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ… đang phải chờ Hội đồng trọng tài phán xử, thì theo yêu cầu của một trong các bên tranh chấp, Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án có thể áp dụng BPKCTT về việc trả tiền giữa các bên tranh chấp khi bên yêu cầu đã chứng minh yêu cầu áp dụng biện pháp này là chính đáng, cần thiết.

1.1.6. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp

Dù tố tụng trọng tài được diễn ra trong thời gian không dài so với tố tụng tại Tòa án, nhưng nó vẫn cần một khoảng thời gian nhất định. Lợi dụng thời gian tố tụng trọng tài đang diễn ra một bên tranh chấp có thể có hành vi bán, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho… tài sản đang có tranh chấp, hành vi này đe dọa gây ra những thiệt hại cho đương sự khác hoặc gây khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp, xử lý tài sản tranh chấp. Do đó, khi có yêu cầu của một trong các bên đương sự áp dụng biện pháp khẩn cấp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang có tranh chấp thì Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án phải áp dụng biện pháp này.

Các BPKCTT được quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật TTTM, có biện pháp chỉ là một hành vi, một đối tượng, một hoạt động chuyển dịch, một hành động… cần ngăn chặn hoặc buộc phải thực hiện, cấm thực hiện, nhưng có BPKCTT có quy định kép, nên chứa đựng nhiều nội dung, nhiều hành vi, hoạt động cần điều chỉnh bằng BPKCTT. Ví dụ: BPKCTT quy định tại điểm b khoản 2 Điều 49 Luật TTTM điều chỉnh hai loại hành vi trái ngược nhau; đó là “cấm” thực hiện một hoặc một số hành vi hoặc “buộc” thực hiện một hoặc một số hành vi; còn BPKCTT quy định tại điểm d khoản 2 Điều 49 Luật TTTM lại điều chỉnh rất nhiều hoạt động khác nhau đó là: hoạt động về bảo tồn, hoạt động về cất giữ, hoạt động giao dịch: bán, hành vi định đoạt… Do đó,  khi áp dụng BPKCTT không phải bê nguyên xi toàn bộ các hành vi, các hoạt động, các nội dung trong các điểm, khoản quy định biện pháp kép đó mà chỉ nêu những hành vi, hoạt động nào cần điều chỉnh, ngăn chặn theo yêu cầu của đương sự. Nếu thực tế đang diễn ra hoặc sẽ diễn ra tất cả các hành vi, hoạt động… được quy định trong BPKCTT đó và một bên yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn toàn bộ các hành vi, hoạt động… đang hoặc sẽ diễn ra được quy định trong BPKCTT đó thì mới ghi nguyên văn tất cả hành vi, hoạt động được quy định trong điểm, khoản quy định về BPKCTT đó.

  1. Thẩm quyền, thủ tục áp dụng BPKCTT của Hội đồng trọng tài

2.1. Thẩm quyền

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, một trong các bên tranh chấp yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng BPKCTT thì Hội đồng trọng tài có quyền áp dụng BPKCTT và chỉ được áp dụng các BPKCTT mà đương sự đã yêu cầu.

Theo Điều 49 Luật TTTM thì hội đồng trọng tài chỉ có thẩm quyền áp dụng BPKCTT đối với các bên tranh chấp mà không có thẩm quyền đối với bên thứ ba. Điều này là khác với thẩm quyền của Tòa án, bởi Tòa án có quyền áp dụng BPKCTT đối với cả bên thứ ba nếu được yêu cầu và xét thấy có đủ căn cứ theo luật. Trong trường hợp có yêu cầu và trọng tài áp dụng cho bên thứ ba, cần làm rõ bên thứ ba có liên quan đến thỏa thuận trọng tài hay không, vì thông thường, thỏa thuận trọng tài chỉ có giá trị ràng buộc đối với các bên tham gia thỏa thuận đó. Chỉ một số ít trường hợp bên thứ ba trong thỏa thuận trọng tài bị ràng buộc bởi thỏa thuận đó, có thể kể ra là:

– Thứ nhất, theo học thuyết “tập đoàn công ty”, mà theo đó những quyền lợi và trách nhiệm phát sinh từ một thỏa thuận trọng tài trong một số trường hợp có thể mở rộng sang các thành viên khác trong tập đoàn;

– Thứ hai, do hiệu lực của quy tắc chung về chuyển nhượng, đại lý và kế thừa. Theo đó một chi nhánh của một bên trong điều khoản trọng tài có thể là đồng bị đơn trong quá trình tố tụng trọng tài …

Thỏa thuận trọng tài thường bị hạn chế đối với các bên tham gia chính quá trình tố tụng trọng tài. (A.Redfern, M. Hunter, N. Blackaby và C. Partasides, Pháp luật và thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế, Thomson Sweet & Maxwell, 2005, 179, 401).

Tuy nhiên, cần phải chỉ rõ rằng những trường hợp trên là hạn chế và thông thường, thỏa thuận trọng tài không liên quan đến bên thứ ba. Để việc hiểu và áp dụng thống nhất, khi sửa đổi, bổ sung Luật TTTM cần quy định rõ khi nào thì thỏa thuận trọng tài sẽ có giá trị đối với bên thứ ba, và chỉ khi đó hội đồng trọng tài mới có thẩm quyền áp dụng BPKCTTđối với bên thứ ba đó.

Trước khi áp dụng Hội đồng trọng tài phải hỏi đương sự và kiểm tra một trong các bên đương sự đã yêu cầu Tòa án và Tòa án đã áp dụng một hoặc một số BPKCTT hay chưa. Nếu một trong các bên đương sự đã yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT thì Hội đồng trọng tài phải từ chối việc áp dụng BPKCTT.

2.2. Điều kiện để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Theo quy định tại khoản 1, 3, 4 Điều 49 Luật TTTM thì Hội đồng trọng tài chỉ có thể áp dụng BPKCTT khi có đủ 4 điều kiện sau:

– Phải có đương sự yêu cầu áp dụng một hoặc một số BPKCTT;

– Người yêu cầu phải cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng BPKCTT đó;

– Người yêu cầu áp dụng BPKCTT đã thực hiện nghĩa vụ bảo đảm về tài chính để bảo đảm việc bồi thường những thiệt hại do việc yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng gây thiệt hại cho người bị áp dụng.

– Chưa có đương sự nào yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT.

Nếu thiếu một trong bốn điều kiện nói trên thì Hội đồng trọng tài sẽ không áp dụng BPKCTT.

2.3. Thủ tục áp dụng BPKCTT của Hội đồng trọng tài (Điều 50)

Đương sự yêu cầu áp dụng BPKCTTphải làm đơn gửi đến Hội đồng trọng tài (đầy đủ nội dung theo quy định). Khi bên yêu cầu áp dụng BPKCTT đã làm đơn và xuất trình tài liệu, chứng cứ chứng minh sự cần thiết phải áp dụng BPKCTT, thì Hội đồng trọng tài ra văn bản nêu cụ thể số tiền, tài sản khi thực hiện nghĩa vụ bảo đảm.

Trên cơ sở quyết định của Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu áp dụng BPKCTT phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Hội đồng trọng tài ấn định tương ứng với giá trị thiệt hại có thể phát sinh, do áp dụng BPKCTT không đúng gây ra để bảo vệ lợi ích của bên bị yêu cầu áp dụng BPKCTT. Khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng do Hội đồng trọng tài quyết định.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, ngay sau khi bên yêu cầu đã thực hiện biện pháp bảo đảm theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài thì Hội đồng trọng tài xem xét ra quyết định áp dụng BPKCTT. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, Hội đồng trọng tài thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho bên yêu cầu biết.  Việc thi hành quyết định áp dụng BPKCTT của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

  1. Thẩm quyền, thủ tục thay đổi, bổ sung, hủy bỏ BPKCTT của Hội đồng trọng tài (Điều 51)

3.1. Thẩm quyền

Sau khi Hội đồng trọng tài đã ra quyết định áp dụng BPKCTT, theo yêu cầu của một bên, Hội đồng trọng tài có quyền thay đổi, bổ sung, hủy bỏ BPKCTT vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình giải quyết tranh chấp.

3.2. Thủ tục thay đổi, bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời

Bên yêu cầu thay đổi, bổ sung BPKCTT phải làm đơn gửi Hội đồng trọng tài . Đơn yêu cầu thay đổi, bổ sung BPKCTTphải có các nội dung sau:

– Ngày, tháng, năm làm đơn;

– Tên, địa chỉ của bên có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

– Tên, địa chỉ của bên bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

– Tóm tắt nội dung tranh chấp;

– Lý do cần phải thay đổi, bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời;

– BPKCTTcần được thay đổi, bổ sung và các yêu cầu cụ thể.

3.3. Hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

Khi có một trong các căn cứ dưới đây thì Hội đồng trọng tài phải ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời:

– Bên yêu cầu áp dụng BPKCTT đề nghị hủy bỏ;

– Bên phải thi hành quyết định áp dụng BPKCTT đã nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu;

– Nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của pháp luật.

3.4. Thủ tục hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

– Bên yêu cầu phải có đơn đề nghị hủy bỏ BPKCTT gửi Hội đồng trọng tài;

– Hội đồng trọng tài xem xét ra quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Khi Hội đồng trọng tài quyết định hủy bỏ BPKCTT thì phải xem xét, quyết định để người đã thực hiện việc bảo đảm được nhận lại tài sản bảo đảm.

Nếu do việc yêu cầu áp dụng BPKCTTkhông đúng gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTThoặc người thứ ba thì Hội đồng trọng tài không ra quyết định trả lại tài sản bảo đảm cho người đã thực hiện biện pháp bảo đảm đó.

Quyết định hủy bỏ BPKCTTphải được gửi ngay cho các b�n tranh chấp và Cơ quan thi hành án dân sự.

3.5. Trách nhiệm của Hội đồng trọng tài khi áp dụng BPKCTT (Điều 52)

Hội đồng trọng tài chỉ áp dụng BPKCTT mà đương sự yêu cầu và đúng với mức tài sản mà đương sự nêu ra; ví dụ đương sự chỉ đề nghị áp dụng BPKCTT được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 49 về việc trả tiền giữa các bên là 1 tỷ đồng thì Hội đồng trọng tài khi áp dụng biện pháp khẩn cấp này không được quyết định quá 1 tỷ đồng. Trong trường hợp Hội đồng trọng tài áp dụng BPKCTT khác,  hoặc hội đồng trọng tài áp dụng vượt quá yêu cầu áp dụng BPKCTT của bên yêu cầu mà gây thiệt hại bên bị áp dụng hoặc người thứ ba thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Ví dụ như đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp: “cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài”, nhưng Hội đồng trọng tài lại áp dụng biện pháp khẩn cấp “cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang có tranh chấp” là không đúng.

3.6. Trách nhiệm của bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Bên yêu cầu áp dụng BPKCTT phải chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình. Trong trường hợp bên yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng và gây thiệt hại cho bên kia hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.

  1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục khi Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT theo quy định tại Điều 53 Luật TTTM và Điều 12 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC
  2. Thời điểm yêu cầu áp dụng BPKCTT tại Tòa án

Khi đương sự nộp đơn khởi kiện tại trọng tài, Hội đồng trọng tài đã nhận được đơn khởi kiện cũng là lúc đương sự có quyền gửi đơn đến Tòa án yêu cầu áp dụng BPKCTT.

Thời điểm yêu cầu áp dụng BPKCTT không bị phụ thuộc vào việc Hội đồng trọng tài đã được thành lập hay chưa, Hội đồng trọng tài đã giải quyết tranh chấp hay chưa.

Việc đương sự yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT không bị coi là từ bỏ thỏa thuận trọng tài hoặc khước từ việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Việc dành cho đương sự chọn một trong hai cơ quan tài phán (Tòa án hay Hội đồng trọng tài) yêu cầu áp dụng BPKCTT là nhằm tạo thuận lợi cho đương sự trong việc bảo vệ lợi ích của mình. Hoạt động này của Tòa án chỉ là sự hỗ trợ cho hoạt động của trọng tài.

Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hay một số BPKCTT.

  1. Thẩm quyền, thủ tục áp dụng BPKCTT của Tòa án

2.1. Thẩm quyền

2.1.1. Thẩm quyền chung

Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật TTTM thì chỉ có TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới có thẩm quyền quyết định áp dụng BPKCTT.

2.1.2. Thẩm quyền cụ thể

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật TTTM, trường hợp các bên đã thỏa thuận lựa chọn một TAND cấp tỉnh áp dụng BPKCTT thì thỏa thuận đó là hợp pháp và TAND cấp tỉnh được các bên thỏa thuận lựa chọn có thẩm quyền áp dụng BPKCTT. Ngược lại, nếu các bên lại thỏa thuận một TAND cấp huyện áp dụng BPKCTT thì thỏa thuận này sẽ không có giá trị pháp lý, vì đã vi phạm quy định về thẩm quyền chung được quy định tại khoản 3 Điều 7 nói trên. Do đó, trường hợp này được coi là hai bên không có thỏa thuận lựa chọn Tòa án.

– Nếu các bên không có thỏa thuận lựa chọn một Tòa án cấp tỉnh cụ thể nào đó, thì thẩm quyền áp dụng BPKCTT là TAND cấp tỉnh nơi BPKCTT được áp dụng.

– Trên thực tế việc áp dụng BPKCTT thường chỉ do một trong các bên đương sự yêu cầu Tòa án áp dụng. Do đó, theo đề nghị của một trong các bên trong vụ tranh chấp Tòa án có thẩm quyền áp dụng một hoặc một số BPKCTT quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật TTTM.

Ví dụ: bên khởi kiện yêu cầu áp dụng BPKCTT: kê biên tài sản đang tranh chấp là nhà xưởng tại xã K huyện X, tỉnh HB. Tòa án có thẩm quyền áp dụng BPKCTT(theo yêu cầu của người khởi kiện) là TAND tỉnh HB.

2.1.3. Điều kiện để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Cũng giống như Hội đồng trọng tài, Tòa án chỉ có thể áp dụng BPKCTT khi hội tụ đủ 04 điều kiện sau:

– Phải có đương sự yêu cầu áp dụng một hay một số BPKCTT cụ thể;

– Người yêu cầu áp dụng BPKCTT phải cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh sự cần thiết phải áp dụng BPKCTT;

– Người yêu cầu áp dụng BPKCTT đã thực hiện nghĩa vụ bảo đảm về tài chính và nộp lệ phí áp dụng BPKCTT theo quy định;

– Chưa yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng BPKCTT đó.

2.2. Trình tự, thủ tục Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Đương sự yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTTphải làm đơn gửi Tòa án có thẩm quyền (có các nội dung giống như đơn yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng BPKCTT). Kèm theo đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bên yêu cầu cung cấp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp đó.

Khi Tòa án nhận được đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Chánh án Tòa án có thẩm quyền phải phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải kiểm tra, xem xét đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT.

Thẩm phán đề nghị người yêu cầu áp dụng BPKCTT cho biết trước hoặc sau khi yêu cầu họ đã yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng một hoặc một số BPKCTT hay chưa. Nếu họ chưa yêu cầu Hội đồng trọng tài thì Thẩm phán yêu cầu họ phải cam kết trong đơn yêu cầu không được yêu cầu tại các Tòa án khác, hoặc Hội đồng trọng tài. Đồng thời Tòa án phải kiểm tra, xem xét các tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu để xác định vụ tranh chấp đó các bên đã có yêu cầu Tòa án khác hoặc Hội đồng trọng tài áp dụng một hoặc một số BPKCTT đó hay chưa.

Trường hợp có căn cứ cho thấy một trong các bên đã có yêu cầu Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án khác áp dụng một hoặc một số BPKCTT đó thì Thẩm phán căn cứ vào quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật TTTM để trả lại đơn yêu cầu cho các bên, trừ trường hợp yêu cầu áp dụng BPKCTT của các bên không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.

Trong trường hợp trả lại đơn không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết.

Nếu Thẩm phán xét thấy đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT là có căn cứ, thuộc trường hợp được chấp nhận thì Thẩm phán yêu cầu người yêu cầu áp dụng BPKCTT thực hiện nghĩa vụ bảo đảm bằng tài sản.

* Việc thực hiện nghĩa vụ bảo đảm:

Trong số các biện pháp khẩn cấp được quy định trong BLTTDS năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2011 chỉ có 5 BPKCTT được quy định tại khoản 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 102, người yêu cầu áp dụng các BPKCTT đó mới phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính trước khi áp dụng. Còn theo quy định tại khoản 4 Điều 49, tất cả các BPKCTT được quy định trong Luật TTTM, người yêu cầu áp dụng bất cứ BPKCTT nào cũng đều phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính thì mới được Tòa án xem xét, chấp nhận. Nếu đương sự yêu cầu Tòa án áp dụng nhiều BPKCTT thì họ phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính cho từng biện pháp.

Tòa án có thẩm quyền căn cứ vào từng BPKCTT và các yêu cầu cụ thể của đương sự đối với việc áp dụng BPKCTT đó, Tòa án dự tính khả năng và mức độ thiệt hại có thể xẩy ra đối với người bị áp dụng BPKCTT để xác định, để tạm tính, để ấn định một số tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá để buộc người yêu cầu áp dụng BPKCTT thực hiện nghĩa vụ bảo đảm.

Khi tiến hành dự kiến mức thực hiện nghĩa vụ bảo đảm, Thẩm phán có thể đề nghị người yêu cầu áp dụng BPKCTT tạm tính mức thiệt hại có thể xẩy ra, khi thấy cần thiết Thẩm phán có thể hỏi ý kiến người bị áp dụng BPKCTT để họ dự kiến tạm tính thiệt hại có thể xảy ra khi áp dụng BPKCTT đó.

Việc dự kiến và tạm tính thiệt hại có thể xảy ra phải được lập thành văn bản, trong đó cần nêu rõ các khoản thiệt hại và tổng mức thiệt hại có thể xảy ra. Các căn cứ của việc dự kiến, tạm tính trên cơ sở dự kiến tổng mức thiệt hại, Thẩm phán ấn định khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá và buộc người yêu cầu áp dụng BPKCTT thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tại Ngân hàng do Tòa án chỉ định.

Dưới đây là ví dụ về cách dự tính, ấn định mức thiệt hại có thể xảy ra:

Anh Q có giấy tờ chứng minh là chủ sở hữu nhà và đang chiếm hữu, sử dụng căn nhà. Anh Q đã ký hợp đồng với anh H sau 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng với anh H, anh Q phá căn nhà cũ xây dựng căn nhà 5 tầng theo yêu cầu của anh H để anh H thuê. Ngày 01/6/2014 là ngày anh Q phải giao nhà cho anh H. Nếu anh Q không thực hiện đúng hợp đồng thì mỗi tháng chậm thực hiện anh Q sẽ bị phạt 50 triệu đồng. Nếu sau ba (03) tháng kể từ ngày 01/6/2014 mà anh Q không có nhà để giao cho anh H, thì anh H có quyền đơn phương hủy hợp đồng và anh Q còn bị phạt do vi phạm hợp đồng là 100 triệu đồng. Ngay sau khi ký hợp đồng với anh H, anh Q đã ký hợp đồng với Công ty M để xây dựng nhà. Khi Công ty M đang bắt đầu triển khai thực hiện hợp đồng xây dựng, ông K tranh chấp quyền sở hữu căn nhà và cho rằng căn nhà này là một phần trong hợp đồng kinh tế đang có tranh chấp giữa ông K và anh Q. Ông K đã yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTTcấm thay đổi hiện trạng tài sản (căn nhà) đang tranh chấp.

Nếu Thẩm phán chấp nhận yêu cầu áp dụng BPKCTT của ông K thì việc dự kiến, tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra do áp dụng BPKCTT không đúng (nếu sau này Hội đồng trọng tài xác định nhà đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của anh Q, căn nhà không liên quan gì quan hệ tranh chấp) việc ấn định một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá tùy diễn biến cụ thể mà xác định như sau:

– Ông K xuất trình cho Thẩm phán hợp đồng phá nhà cũ xây dựng nhà 5 tầng giữa anh Q và Công ty M.

– Anh Q xuất trình thêm hợp đồng cho thuê nhà giữa anh Q và anh H.

Như vậy thiệt hại có thể xẩy ra đối với anh Q là toàn bộ số tiền bị phạt do chậm giao nhà cho anh H.

– Do Công ty M đã triển khai việc xây dựng, nay hợp đồng bị phá vỡ thì thiệt hại mà anh Q có thể phải bồi thường theo yêu cầu của Công ty M là: chi phí cho số nhân công, phương tiện, vật tư đã di chuyển đến công trình; thời gian công nhân chờ đợi, không được làm việc nhưng Công ty M vẫn phải trả lương, không khai thác được phương tiện mang đến công trình; lợi nhuận của Công ty M không thu được khi hợp đồng không được thực hiện. Nếu có thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng, thì còn có thể thêm số tiền bị phạt do vi phạm thời hạn bàn giao mặt bằng theo hợp đồng xây dựng (mức phạt này không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm theo quy định tại Điều 301 Luật thương mại năm 2005).

– Nếu nhà đất được giao cho người thứ ba coi giữ bảo quản thì thiệt hại thực tế có thể xẩy ra còn có cả thù lao thanh toán chi phí bảo quản cho người coi giữ, bảo quản nhà đất.

Ngay sau khi người yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo đảm (họ đã nộp các tài liệu giấy tờ thể hiện đã thực hiện đúng yêu cầu của Tòa án về thực hiện nghĩa vụ bảo đảm) Thẩm phán phải ban hành ngay quyết định áp dụng BPKCTT.

– Trường hợp sau khi đã ra quyết định áp dụng BPKCTT, Tòa án mới phát hiện được vụ tranh chấp đó các bên đã có yêu cầu Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án khác áp dụng BPKCTT đó, thì Tòa án căn cứ vào quy định tương ứng để ra quyết định hủy bỏ BPKCTT do mình ban hành, đồng thời trả lại đơn yêu cầu và các tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu cho các bên.

Khi hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT, Tòa án phải xử lý khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá mà họ đã thực hiện khi yêu cầu áp dụng BPKCTT. Trong trường hợp việc áp dụng không gây thiệt hại cho bên bị áp dụng thì Tòa án cho họ nhận lại số tài sản họ đã thực hiện nghĩa vụ bảo đảm trước đó.

2.3. Thủ tục thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời

Việc thay đổi, áp dụng bổ sung BPKCTT cũng áp dụng tương tự như thủ tục áp dụng BPKCTT, nhưng cần lưu ý:

– Nếu việc thay đổi có lợi cho người bị áp dụng thì Thẩm phán cần chấp nhận ngay đơn yêu cầu và tùy tình hình cụ thể để xử lý nghĩa vụ bảo đảm.

– Nếu chấp nhận yêu cầu áp dụng bổ sung BPKCTT (với ý nghĩa là mở rộng thêm các nội dung yêu cầu đối với biện pháp khẩn cấp đã áp dụng) thì phải yêu cầu họ trình bày rõ lý do và thực hiện bổ sung biện pháp bảo đảm.

– Nếu việc áp dụng bổ sung BPKCTT với ý nghĩa là áp dụng thêm biện pháp khẩn cấp mới thì yêu cầu đương sự phải trình bày rõ lý do, căn cứ cho đề nghị này và yêu cầu họ thực hiện nghĩa vụ bảo đảm.

2.4. Thủ tục hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

* Căn cứ để hủy bỏ:

– Người yêu cầu áp dụng BPKCTTcó đơn đề nghị Tòa án hủy bỏ;

– Người phải thi hành quyết định áp dụng BPKCTT nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên yêu cầu.

+ Khi có cơ sở để hủy bỏ BPKCTTcần chú ý:

– Trường hợp bên yêu cầu áp dụng BPKCTTcó đơn yêu cầu hủy bỏ BPKCTTthì Tòa án cần chấp nhận ngay yêu cầu của họ. Trong trường hợp này nếu yêu cầu áp dụng BPKCTTlà đúng thì khi quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án quyết định cho họ được nhận lại số tiền, tài sản mà họ đã gửi giữ tại Ngân hàng theo quyết định của Tòa án.

– Trường hợp người yêu cầu áp dụng BPKCTTkhông đúng, gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, hoặc cho người thứ ba và họ yêu cầu được bồi thường thì chưa cho họ nhận lại số tiền, tài sản bảo đảm, trừ khi người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thấp hơn số tiền bảo đảm đang gửi giữ tại Ngân hàng theo quyết định của Tòa án, thì Tòa án quyết định cho người yêu cầu được lấy lại số tiền, tài sản  vượt quá mức người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường.

Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT có hiệu lực thi hành ngay.

Khi ban hành quyết định này Tòa án phải gửi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Cơ quan thi hành án dân sự chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

                Tưởng Duy Lượng – Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao

  .

Sản Phẩm Liên Quan